Mỗi một biến cố xảy ra trong đời đều là một dịp cho ta nhìn lại bản thân mình, nhìn lại cuộc đời mình. Dịch bệnh lần này cũng vậy. Một nốt trầm buồn, một cơn đau đầu mới, một sự xáo trộn khó chịu, nhưng ít nhiều gì ta cũng sẽ có những thời gian nghĩ ngợi về cuộc đời mình, ví dụ như với mình cái gì là thiết yếu.
Cách đây vài năm, trong một lần làm việc nhóm, chúng tôi chơi một trò chơi. Mỗi người trong chúng tôi sẽ viết ra 5 thứ mình cho là quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Có thể là gia đình, bạn bè, công việc, vân vân. Sau đó, chúng tôi phải xử lý tình huống giả tưởng: nếu có biến cố xảy ra, bạn buộc phải từ bỏ một trong năm thứ đó, bạn sẽ bỏ đi thứ gì? Cứ thế, lần lượt chúng tôi phải đặt xuống một tấm thẻ có ghi những thứ mình coi là quan trọng nhất, cho tới tận tấm thẻ cuối cùng.
Tôi còn nhớ, thứ đầu tiên mà tôi đã đặt bút viết xuống là tri thức. Đó là thứ mà tôi trân trọng, vì nó đã đem tới cho tôi nhiều thứ. Không chỉ là sự hiểu biết, tri thức là một nguồn an ủi lớn trong cuộc đời tôi. Nó giúp tôi bớt cô đơn. Nó giúp tôi hiểu được chính mình. Nó giúp tôi đứng được trong cuộc đời trên đôi chân của chính mình. Nó giúp tôi biết cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Chính nó cũng giúp tôi biết những gì với mình là quan trọng.
Nhưng rồi tấm thẻ đầu tiên tôi đã đặt xuống cũng chính là tri thức. Bởi vì những tấm thẻ khác là gia đình, bè bạn, và có lẽ thứ gì đó tương tự mà giờ tôi cũng chẳng nhớ. Tôi chỉ nhớ rằng mình đã tự hỏi, là một người có tri thức mà không có gia đình, bạn bè so với làm một người ngốc một chút để giữ lại gia đình, bạn bè, tôi sẽ chọn cái nào?
Sau lần đó tôi còn mất thêm nhiều thời gian mới có thể quyết định sẽ không theo đuổi con đường học hành, nghiên cứu để trở thành một học giả, nhưng bài tập giả tưởng buổi chiều hôm đó là lần đầu tiên khiến tôi có suy nghĩ: có lẽ tri thức với mình không quan trọng như là mình nghĩ.
Quay trở lại với những ngày dịch bệnh, tôi quả thực đã phải xoay xở nhiều cách để đi qua những ngày không thực sự làm việc. Tiền bạc là một chuyện, nhưng cái khó chịu hơn vẫn là không được làm việc. Ngày mà một khách hàng của tôi thông báo muốn trở lại học, tôi thấy nhen lên một niềm vui được trở lại với công việc. Là một giáo viên tự do, mỗi buổi dạy với tôi là một bài toán mới cần được giải, chứ không như một số công việc giảng dạy khác là lặp đi lặp lại một thứ từ ngày này qua tháng khác. Cái tính chất “giải toán” ấy khiến tôi hào hứng. Sau hai tháng nghỉ dịch tôi mới lại có được niềm vui của một buổi tối nghiền ngẫm nhu cầu mới của khách hàng, rồi nguyệch ngoạc cho kỳ được một cái sườn bài trước khi đi ngủ.
Nhưng công việc tháng này của tôi vẫn còn bập bõm, chưa trở lại được như cũ, bởi các khách hàng của tôi cũng còn phải xoay xở với công việc trong giai đoạn mới. Thành ra, tôi vẫn dành thời gian tiếp tục một việc mà tôi thấy hứng thú trong khoảng hai tuần vừa qua, đó là dọn dẹp lại nhà cửa. Dọn nhà cũng là một cách dọn lại đời mình. Thời gian qua đi, mình muốn giữ lại điều gì?
Nhân về nhà bố mẹ nhiều, tôi dọn dẹp căn phòng của hai chị em ngày trước mà giờ đây là phòng cho thằng bé con những khi nó được gửi về với ông bà. Mục đích lúc đầu chỉ là dọn để có thêm chỗ để đồ dùng cho thằng bé con trong tủ thay vì để lộn xộn trong phòng. Nhưng có dọn nhà mới thấy màu của thời gian.
Khi dọn tới cái giá sách, tôi thẳng tay ném đi một loạt sách học thời đại học. Trước đây học xong tôi vẫn xếp sách học vào một góc, nghĩ là cũng có ít giá trị, có thể sau này cần tham khảo. Giờ này thì quả thực với tôi những cuốn sách ấy chỉ là giấy vụn. Biên soạn không cẩn thận, kiến thức thì cũ kỹ (so với ngày tôi học chứ chẳng phải so với bây giờ), cách trình bày cũng ít đầu tư nghĩ tới việc nó có thuận tiện cho người đọc tiếp nhận kiến thức không. Chưa kể ngày đi học tôi đã phát hiện một số cuốn sách của thầy cô trường tôi đã sao chép từ sách của người khác vào và điềm nhiên đề tên mình (do có lần tôi mượn sách trường khác về tham khảo). Những cuốn ấy thì tôi đã vứt đi từ lâu, cùng với đó là vứt luôn đi sự tôn trọng với “tác giả”, dù thực ra tôi chẳng buồn nhớ những “tác giả” ấy là ai. Chỉ là, tôi gieo nỗi nghi ngờ vào cả những quyển sách khác. Nói chung vứt đi không có gì phải tiếc nuối.
Ngoài sách ra thì tôi cũng có dịp dọn dẹp đống đĩa CD, VCD, DVD ca nhạc, phim ảnh. Trước đây tôi mua cũng nhiều lắm, còn phải mua cả giá đựng. Cái thời mà Hà Nội nhộn nhịp đĩa lậu vài ngàn đồng một cái, sang chảnh hơn thì mua đĩa vài chục ngàn chỗ cái cửa hàng gì ở Quang Trung ấy. Rồi tới cái thời công nghệ tiên tiến hơn, cũng đĩa lậu nhưng chất lượng tốt hơn, kèm theo cả ảnh in, lời bài hát đẹp như thật. Kế đó nữa là thời kinh tế khá hơn, có điều kiện đi nước ngoài thì tôi có mua đôi ba cái đĩa xịn vài chục đô một chiếc. Nhưng càng sau này thì tôi lại càng ít cập nhật các album nhạc, không biết tên ca sĩ hot bây giờ là chuyện thường.
Đợt dọn đĩa lần này chắc mới là lần thứ hai. Một lần tôi đã dọn và vứt đi gần hết đống đĩa, sau khi đã copy một số vào máy tính. Mấy cái đĩa xịn thì đương nhiên giữ lại. Trong nhiều năm tôi chỉ nghe nhạc từ cái gia sản đó, trước khi sau này chuyển qua YouTube. Lần này dọn đĩa tôi tranh thủ dọn luôn đống nhạc lưu trên máy tính. Lần này tôi cũng thẳng tay xóa bớt. Có những người bạn đã không cảm thấy thèm nghe họ đàn hát trong nhiều năm, giữ lại mà làm gì.
Dọn dẹp một hồi, giờ chắc những cái tên tôi giữ lại chỉ hơn một chục, chủ yếu là pop, rock. Pop thì có The Bee Gees, MLTR, Dido, Robbie Williams, James Blunt, Natalie Imbruglia, có người cũng chỉ hai, ba album. Jason Mraz tôi nghe sau này nên hay nghe theo tuyển tập, giờ mới bắt đầu tìm nghe theo album. Rock thì có Creed, Coldplay, U2, Linkin’ Park, Alanis Morissette. Jazz thì tôi giữ lại một album tuyển tập, Romance 2 của Frank Sinatra, và hai album của Norah Jones. Ngoài ra còn một vài album lẻ của một vài người khác như 25 của Adele, Northern Star của Mel C, hay MTV Unplugged in New York của Nivarna. Vài cái DVD thì giữ lại tất. Nhạc Việt thì xưa giờ tôi chỉ mua đúng ba đĩa của Lê Hiếu. Nói chung là toàn nhạc cũ.
Chỗ đĩa phim thì tôi giữ lại gần hết vì hầu hết là DVD chất lượng còn tốt, chỉ bỏ một vài cái VCD chất lượng kém. Không dọn dẹp thì chẳng biết có một vài phim tôi mua về từ đời nảo đời nào mà còn chưa xem. Tên cũng lạ hoắc và cũ kỹ. Một thời của những Tom Hanks, Bruce Willis, Julia Roberts, hay Meg Ryan.
Cũng nhân đợt dọn nhà, một chiếc máy chơi nhạc (mp3 player) và một chiếc đầu DVD phủ bụi đã lâu giờ được tôi lôi ra trưng dụng. Đồ đạc còn dùng được mà bỏ không là tôi rất ghét, nên tôi thích lâu lâu lại dọn nhà một lượt, cái gì không dùng nữa thì đem cho người khác dùng kẻo phí. Đợt dọn dẹp vừa rồi tôi đã xếp ra được mấy cuốn sổ trắng cũ, hai cuốn từ điển bỏ túi, một ít thước kẻ giấy viết để dành cho con của chị trước vẫn tới giúp tôi lau dọn nhà cửa hàng tuần. Từ khi thất nghiệp tôi cũng phải cho chị nghỉ, chắc phải sang tháng nếu công việc ổn định lại được thì tôi mới lại có thể thuê chị tiếp.
Giữa những ngày gợi nhớ nhiều về tuổi trẻ, tôi vô tình lại xem phải When My Love Blooms, một bộ phim kể về hai người yêu nhau trong những năm 20 tuổi giờ gặp lại nhau ở tuổi 40. Phim cứ đan xem giữa hiện tại và quá khứ, có chút gì đó giống tôi đang nghe lại những album nhạc cũ và mấy buổi lại ngồi google xem các ca sĩ, các ban nhạc mà sau hai mươi năm tôi vẫn còn muốn giữ lại âm nhạc của họ trong cuộc đời mình, bấy lâu nay họ làm gì, ra thêm những album nào, âm nhạc của họ sau này có còn lay động lòng tôi như cách đây mười, hai mươi năm không. Đôi khi câu trả lời là có, nhưng đôi khi cũng là không.
Maybe I am just a dreamer
Hiding away from life
Maybe we are just pretending
It never cuts like a knife
Đó là MLTR. Là album gần nhất, STILL, năm 2018. Là bài mà tôi thích nhất – mà có khi cũng là bài duy nhất mà tôi thích – trong album này.
Lúc mới xem When My Love Blooms, lúc đầu tôi cũng chỉ muốn tua nhanh những đoạn hồi tưởng quá khứ, vì tôi thấy nó ngô nghê, nó ngốc nghếch. Nhưng rồi xem tiếp, tôi cũng bắt đầu thấy cái quá khứ ấy có phần đáng yêu. 😀 Phải nói là phim dựng cũng hay, hình ảnh và âm nhạc đều đẹp, diễn viên diễn cuốn hút. Một vài lời thoại cũng đẹp như trong một quyển sách hay.
“Vì sao sau bao nhiêu năm anh vẫn không thể đưa được em vào ký ức? Bởi vì em chưa bao giờ là quá khứ.”
Kể ra 40 tuổi mà vẫn phải lấn cấn về quá khứ thế này thì thật mệt mỏi, nhưng cũng chả ai dám chắc tới 40 tuổi có thể dễ dàng nói đã sống mà không phải ân hận điều gì. Có nhiều điều phải mất rất lâu ta mới bắt đầu hiểu ra. Bởi thế, những gì là quan trọng, nhiều khi chỉ có thời gian mới cho ta biết được.
Dù sao thì, tôi vẫn nghĩ không có biến cố gì thì vài ba năm cũng vẫn nên dọn dẹp nhà cửa một lần thật kỹ lưỡng! 😀