Tản mạn về sách vở (3)

Tôi quen/biết nhiều người đọc sách rất kinh khủng khiếp nên không mấy khi dám tự nhận mình là người thích đọc sách. Tôi là người đọc sách chậm mà lại không phải người đọc sách kỹ. Thế nhưng tôi lại khá hay lảm nhảm về chuyện đọc sách làm cho tôi cảm thấy vui vẻ hạnh phúc như thế nào. Khi đọc lại những gì mình viết tôi thấy là tôi cứ nhắc đến sách ở mọi nơi mọi chốn. Đã vậy, thỉnh thoảng tôi phải lảm nhảm thành cả một bài cho bõ.

Cách đây mấy tháng, thiên hạ rộ lên trò book bucket challenge. Có bạn bảo đọc nhiều quá làm sao mà chọn ra 10 quyển thích nhất được. Thế là bạn ấy liệt kê ra 10 tác giả mà bạn ấy thích nhất. Mỗi tác giả này bạn ấy đã đọc hết hoặc gần hết các tác phẩm của họ. Đấy chính là một người mà tôi biết là đọc sách rất kinh khủng khiếp. May mà những người như vậy lại ít kể chuyện họ đọc sách như thế nào (ít nhất là không kể in public), chắc là vì họ bận đọc sách, chứ họ mà kể ra thì chắc tôi im luôn không dám viết lách lảm nhảm gì nữa.

Về phần tôi, nghĩ mãi mới ra được 5 quyển mà tôi cảm thấy có “ấn tượng đặc biệt sâu sắc và mạnh mẽ”. Cả 5 quyển ấy tôi đều đọc trước khi bước sang tuổi 26. Sau khi đi xem book list của thiên hạ và tán chuyện một vòng, tôi nhận ra là cũng có không ít người nhận thấy rằng những cuốn sách cho họ cảm xúc mạnh mẽ nhất khi đọc đều được đọc những ngày họ còn rất trẻ, tầm từ tuổi teen cho tới 25 tuổi. Tuổi trẻ thường nhiều băn khoăn, trăn trở, nhưng đi qua rồi người ta mới thấy nó đẹp như thế nào.

“Không thể nói rằng khi đó tôi hạnh phúc. Thế nhưng, ký ức về thời ấy lại làm tôi thấy ngập tràn tiếc nuối. Thời ấy tôi trẻ hơn, đói khát hơn, cô độc hơn hiện nay. Nhưng tôi thật sự là mình. Thời đó tận sâu trong tim tôi cảm nhận được từng nốt nhạc mà tôi nghe, từng dòng chữ trong sách mà tôi đọc, như thể là chúng đi thật sâu vào trong tôi.”

(Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời ~ Murakami)

Đây là lần thứ n tôi chép lại mấy câu này, bởi chưa tìm được gì để thay thế, cũng không còn từ ngữ nào để diễn tả cho tốt hơn điều trong lòng mình mà Murakami đã nói hộ.

Trở lại chuyện đọc sách. Dĩ nhiên không phải là từ sau 25 tuổi tôi đọc ít đi. Ngược lại tôi còn đọc nhiều hơn. Đặc biệt là trong hơn hai năm theo đuổi chuyên ngành xã hội học, tôi đắm chìm trong sách vở như một kẻ nghiện ngập. Tuần nào cũng đọc hàng tá paper và book chapters, rồi lại tha lôi thêm từ thư viện về đọc. Đến mức mà khi đọc sách mệt quá, tôi đứng dậy thư giãn bằng cách đi nhìn ngó các giá sách cao ngất đến trần trong thư viện, xem họ chia ra những chủ đề gì, có những sách gì. Thường thì kết quả của một chuyến thư giãn như thế lại là vài ba quyển sách nữa.

Dĩ nhiên, tôi không đọc được hết những cuốn sách mà tôi mượn về, vì riêng bài vở trên lớp cũng đã rất nhiều, chỉ có tranh thủ đọc mỗi cuốn một vài chương. Nhiều khi cũng phải đánh đổi giữa những gì được yêu cầu đọc và những gì mình muốn đọc thêm. Của đáng tội, thư viện trường tôi ngày ấy không giới hạn số sách mượn tối đa cho một lần mượn. Nghĩa là sức mày bê được bao nhiêu đọc được bao nhiêu thì bê về mà đọc. Hồi đầu tôi cứ khệ nệ bê một chồng sách mượn thư viện về, cũng thấy chút xấu hổ khi thấy chẳng ai như mình. Cảm thấy mình như một kẻ chết đói sách giữa một bữa tiệc của những người no đủ, không biết nên lấy cuốn nào bỏ cuốn nào nên cứ ôm tất về rồi đọc thử. Cho tới một lần nhìn thấy một bạn khác cũng bê một chồng sách y như tôi, tôi mới yên tâm thở phào và từ đó không còn lăn tăn gì về sự chết đói của mình nữa.

Trước khi tôi về nước, một bạn hỏi, trừ bạn bè ra không tính thì cậu sẽ nhớ gì nhất về nước Mỹ. Tôi chẳng cần phải nghĩ đến giây thứ hai, tôi bảo đó là sách và thư viện. Tôi trở về ngoài hai valy đồ còn một túi sách to cùng ba thùng sách chuyển qua đường bưu điện, có khi đến 40 tuổi đọc cũng chưa hết chỗ ấy.

Cũng vì cái ký ức tươi đẹp ấy mà mấy năm liền tôi vẫn thỉnh thoảng mơ cái giấc mơ trở thành một học giả (giờ đã từ bỏ). Giữa những ngày xa xưa ấy có một lần ba đứa con gái ngồi chuyện phiếm với nhau là nếu không học tiến sĩ thì làm gì nhỉ. Con bé người Ý bảo là chắc tao về nhà bán rau thôi cho vui vẻ. Nghĩ một tẹo, nó lại bảo, bán rau và đọc paper. Thế là cả bọn gật gù, đúng rồi, bán rau và đọc paper là nhất. Chớp mắt một cái, con bé người Ý lại là đứa duy nhất hoàn thành chương trình tiến sĩ, giờ đã về Ý. Một con bé khác không may phải ngừng chương trình tiến sĩ giữa chừng, giờ lấy một anh chồng người Mỹ và bắt đầu một cuộc sống mới. Còn tôi có vẻ như sẽ là đứa đến được gần nhất với cái giấc mơ “bán rau và đọc paper” của cả bọn ngày nào. 🙂

2 thoughts on “Tản mạn về sách vở (3)

Leave a comment