Chuyện về những giáo sư đáng kính của tôi (P1)

Trong thời gian học tập tại Mỹ tôi đã may mắn được học nhiều giáo sư, giảng viên giỏi, tận tâm, và có tính cách rất thú vị. Nhưng có ba vị giáo sư mà tôi dành cho nhiều tình cảm hơn cả, và nhìn chung tình cảm giữa chúng tôi có lẽ là nhiều hơn một tình cảm thầy trò thông thường. Đến giờ mỗi khi có dịp tôi lại viết thư thăm hỏi họ và kể cho họ nghe vài câu chuyện của mình. Cả ba người đều tầm tuổi cha mẹ tôi.

Giáo sư Elle và giáo sư Marcus (hai tên này tôi đều bịa ra)  chơi thân với nhau và những câu chuyện của tôi liên quan tới mỗi người họ hầu như đều liên quan tới nhau. GS Elle là người hướng dẫn của tôi còn GS Marcus ngồi trong hội đồng chấm thi tốt nghiệp của tôi. Tôi đã từng định xin chuyển sang nhận GS Marcus làm người hướng dẫn, nhưng sau lại thôi, và đó là một câu chuyện khá dở hơi lủng củng của tôi, không nên nhắc đến chi tiết làm gì.

GS Elle là GS đầu tiên tôi tới gặp, trước khi năm học mới bắt đầu, hiển nhiên là vì bà là người hướng dẫn của tôi. Đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu ngập tràn ánh nắng, tôi tới gõ cửa phòng bà sau khi đã đặt lịch hẹn trước. Bà chẳng ra mở cửa cho tôi mà chỉ bảo vào đi. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cái khung cảnh mà tôi đã nhìn thấy vào cái buổi chiều hôm ấy khi mở cửa phòng và gặp vị GS đáng kính của mình lần đầu tiên. Một căn phòng rất nhỏ nhưng ngập trong ánh sáng tự nhiên từ chiếc cửa sổ khá lớn. Một chiếc bàn làm việc lọt thỏm giữa những giá sách và rất rất rất nhiều sách. Như thể là những bức tường được làm bằng sách vậy. Bà giáo sư của tôi đang bò ra giữa sàn nhà để phân loại tài liệu hay gì gì đó, giấy tờ trải đầy ra xung quanh. Bà ngẩng lên nhìn tôi cười và bảo, vào đi, chờ tôi một chút nhé. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình đang đứng giữa thiên đường.

GS Elle đúng như những hình dung của tôi về một GS đại học tại Mỹ thông qua các bộ phim mà tôi đã xem. Bà là người đam mê nghiên cứu và các công việc học thuật nhiều nhất mà tôi được biết. Thế giới học thuật sinh ra là để dành cho những người như bà, là nơi bà tìm thấy chính mình, định nghĩa chính mình, và tạo nên số phận cho mình. Bởi vậy, tôi biết là bà đã rất đau lòng khi phải chứng kiến xã hội học nông thôn, lĩnh vực nghiên cứu của cả đời bà và cũng là phân ngành học của tôi, một “đặc sản” của nền học thuật của Mỹ, đang ngày càng bị thu hẹp lại vì Chính phủ Mỹ cho rằng đã đến lúc phải cắt giảm tiền và những mối quan tâm của họ tới xã hội nông thôn. Thậm chí cái chương trình học của tôi đã biến mất ngay trước khi tôi kịp rời nước Mỹ, hiện nhà trường chỉ còn đào tạo nốt những sinh viên còn đang dở dang để cấp cho họ những tấm bằng tiến sĩ xã hội học nông thôn cuối cùng. Câu chuyện này tôi sẽ kể vào một hôm khác. GS Elle của tôi là một học giả có nhiều thành công và được kính trọng, và đến giờ phút này vẫn còn miệt mài với dữ liệu và sách vở, và tôi tin là vẫn tiếp tục với sự hỗ trợ của những thanh kẹo dinh dưỡng thay cho những bữa tối cùng rất nhiều thuốc an thần.

Giáo sư Marcus của tôi thì thuộc tuýp người hơi “bay bay”. Ông là tiến sĩ chuyên ngành nhân chủng học, nói tiếng Nhật như gió vì đã sống tại đất nước này gần một thập kỷ để nghiên cứu về xã hội nông thôn Nhật Bản. Nhiều sinh viên không thích ông lắm vì các lớp học của ông không được cấu trúc một cách chặt chẽ như đa số các lớp học khác mà có phần hơi dàn trải. Khi giảng bài đôi khi ông cũng sa đà vào những câu chuyện, những chi tiết mà đối với một số sinh viên là vô bổ – chúng làm họ xao nhãng khỏi những thứ họ cần để làm đề tài hoặc vượt qua kỳ thi sát hạch để làm nghiên cứu sinh. Chỉ có những sinh viên “bay bay” như tôi là mê mẩn với những câu chuyện vụn vặt nhất của ông. Vì tôi luôn luôn học với một niềm đam mê chân thành nhất của một người học, tôi thích những giáo viên như thế vì họ vẽ ra cho tôi những chân trời rộng lớn và khuyến khích tôi đi khám phá. Ngược lại, ông GS cũng rất thích các câu chuyện về nông thôn Việt Nam mà tôi chia sẻ.

Một lần tôi trốn một lớp học để theo GS Marcus “đi chơi”. Là một nhà nhân chủng học, việc “sục tay vào cuộc sống” đối với ông quan trọng không kém việc đọc các lý thuyết và lặn ngụp trong dữ liệu. Biết tôi cũng là một người như vậy, một hôm ông rủ tôi đi dự một buổi gặp mặt thường kỳ của một nhóm những người dân thường hành động vì môi trường ở một thành phố cách xa vài giờ lái xe. Tôi bảo là hôm ấy em vướng một lớp học. Ông nói lấp lửng kiểu khiêu khích, ừ, nhưng mà em đã bay từ Việt Nam sang tới tận đây mà không biết đến những hoạt động như thế thì phí quá. Thế là tôi trốn học.

Sau này khi tôi kể lại câu chuyện này cho một số bạn bè nghe, hiển nhiên là ai cũng nhăn mặt. Ở các nước phương Tây, thầy giáo ngồi nói chuyện với nữ sinh viên tại văn phòng của thầy (nhìn chung là cứ giáo viên với sinh viên) còn phải để mở cửa phòng để tránh những chuyện không hay, thế mà tôi còn trốn học đi riêng với thầy giáo. Tôi hiển nhiên là có biết cái điều kiêng kỵ này, nhưng đã quyết định tin tưởng vào trực giác của mình để mà liều lĩnh bỏ qua nó. Dĩ nhiên là chuyến đi ấy chẳng có gì ngoài việc thầy đã lái xe đưa tôi đến buổi gặp gỡ, chúng tôi nói chuyện với những người dân rất bình thường, rồi ăn trưa và đi field cùng mọi người; thầy cũng đã tranh thủ lái xe loanh quanh chỉ cho tôi xem nhiều thứ, và còn vượt cả cây cầu dài bắc ngang dòng sông Ohio vĩ đại vì “đã đến tận đây thì cho em sang ngó cái bang liền kề một tí”.

GS Marcus cũng chính là người đã đến dự buổi thi để tôi lấy được tờ giấy chứng nhận của Khoa Tiếng Anh là đủ điều kiện để đứng lớp làm trợ giảng, theo đúng yêu cầu của khoa này là phải có mặt một GS từ chuyên ngành mà tôi học (vì tôi phải giảng thử một chủ đề về chuyên ngành của mình). Cũng chẳng có chuyện gì đáng nói về buổi thi hôm ấy trừ việc tôi hoàn toàn không có cảm giác gì là ông ngồi đó để sát hạch trình độ của tôi. Tôi có cảm giác như ông là một người cha đến nghe con gái mình thuyết trình. (Bố mẹ tôi thì thỉnh thoảng vẫn được nghe tôi “thuyết trình” tại nhà đến phát chán lol.) Đến giờ thỉnh thoảng GS Marcus vẫn vào trang profile của tôi trên LinkedIn và endorse cho tôi một cái gì đó.

GS Elle dĩ nhiên là biết tôi rất yêu quý GS Marcus Giữa những ngày tháng tôi khủng hoảng về chuyện học hành, khi đã hết lời khuyên giải mà tôi không chịu nghe, vẫn một mực đòi bỏ học vì “những gì cần học em đã học hết rồi, em chả cần cái bằng này nữa” (phải, một câu chuyện rất điên rồ của tôi), bà đã gọi điện thoại cho GS Marcus để nhờ ông khuyên bảo tôi, và khi tôi từ chối nói chuyện với ông thì bà đã bật loa ngoài của điện thoại lên để ba chúng tôi cùng ngồi nói chuyện. Cuối cùng thì tôi cũng chịu nghe lời họ, hoàn thành nốt bài thi viết và thi vấn đáp để lấy tấm bằng mang về.

Ngày tôi thi vấn đáp, GS Marcus nói là vẫn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ quay lại học tiếp tiến sĩ, rằng tôi nên học tiếp. GS Elle thì nói là bà chắc chắn là tôi sẽ quay trở lại. Có lẽ bà vẫn nghĩ rằng môi trường học thuật là nơi tốt nhất để tôi định nghĩa chính mình và tạo ra số phận cho mình, giống như bà đã làm. Ngày tôi đến chào bà để rời nước Mỹ, Elle nói là có cảm giác như đang chứng kiến con gái mình rời khỏi gia đình để bắt đầu một cuộc sống riêng. Tôi đã cảm ơn Elle vì đã không give up on me even when I had already given up on myself. Còn tình cảm của bà dành cho tôi, tôi không biết có khi nào trả hết nổi không. Hy vọng một ngày nào đó tôi có thể viết ra được một thứ gì đó có giá trị để viết một lời đề tặng dành cho bà.

1 thought on “Chuyện về những giáo sư đáng kính của tôi (P1)

  1. Pingback: Điên rồ | Living, Writing, Sharing

Leave a comment