Khi trầm cảm tôi đã làm gì?

Năm ngoái, tôi loay hoay viết ra vài điều chia sẻ với những người trầm cảm (ở đây). Cũng muốn, và trên thực tế là đã, viết ra vài lời khuyên, nhưng rồi càng viết, càng đọc thêm thì lại càng thấy sự phức tạp của bệnh, các phương pháp điều trị, cũng như trải nghiệm của mọi người (cả người trầm cảm lẫn các nhà tâm lý trị liệu), rốt cục là cảm thấy mình không nên viết thêm các lời khuyên. Thay vào đó, có thể thỉnh thoảng dịch hoặc chia sẻ thêm những bài viết mà tôi cảm thấy là có thể hữu ích cho những người trầm cảm.

Tuy thế, tôi vẫn muốn tổng kết lại ở đây những gì tôi đã làm khi bị trầm cảm lần đầu cách đây mấy năm, như là mô tả lại một trải nghiệm cá nhân. Khi ấy tôi như kiểu có bệnh thì vái tứ phương, thử đủ mọi cách. Chẳng ai biết được là ngày ấy những gì tôi đã làm có gì đúng, có gì sai, và đã góp phần giúp tôi vượt qua được đợt trầm cảm ấy (kéo dài khoảng 8 tháng) ở mức độ nào, nếu như là những việc làm ấy là hữu ích. Bởi vậy, bài viết này chỉ là để những người quan tâm tới bệnh trầm cảm đọc cho biết thôi.

Vì những gì tôi sắp liệt kê ra đây là khá nhiều, tôi hy vọng những người trầm cảm đang đọc bài này không vì thế mà cảm thấy áp lực hay trầm uất thêm trong nỗ lực thoát khỏi trầm cảm của mình, còn những người có người thân, bạn bè bị trầm cảm cũng đừng vì bài viết này mà thúc ép người thân, bạn bè mình thử quá nhiều cách khác nhau. Tôi đã từng viết trên blog này rồi, con đường thoát khỏi trầm cảm của mỗi người là rất khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Phải bình tĩnh, phải kiên trì.

Dưới đây là những gì tôi đã làm, hầu như là làm cùng một lúc, đan xen, không rõ ràng việc gì trước việc gì sau:

  1. Tìm hiểu về bệnh

Tôi chẳng nhớ là ngày ấy vì sao và từ bao giờ tôi bắt đầu nghĩ là mình bị trầm cảm nữa, nhưng chắc chắn là tôi đã bắt đầu tìm hiểu về bệnh này từ trước khi đi khám (và chính thức được chẩn đoán là bị trầm cảm nhẹ), và vẫn liên tục đọc thêm sau đó. Ngày ấy tôi đã đọc rất nhiều trang web tiếng Anh viết về bệnh này – có thông tin trùng lặp, có thông tin khác nhau, tôi cũng chẳng nhớ nữa, nhưng tôi cứ đọc, đọc, đọc, chẳng biết là có ích gì không, nhưng dần dần tôi cảm thấy hiểu về bệnh của mình rõ hơn, ít nhất cũng nắm được gì cơ bản nhất, ít nhiều cũng bớt bối rối hơn.

(Tìm đọc thông tin về bệnh quan trọng là đọc những nguồn đáng tin cậy. Nếu bạn đọc được tiếng Anh thì rất dễ dàng tìm tới những nguồn đáng tin cậy từ các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành. Các nguồn tiếng Việt hiện ra trên google chủ yếu là báo chí và các nguồn không chuyên khác. Nếu bạn không ngại sách chuyên ngành (quả thực không quá khó đọc đâu), thì ở đây có bản dịch tiếng Việt của mấy chương một cuốn sách chuyên ngành.)

2. Đi khám

Ngày ấy tôi khám ở trung tâm y tế trong trường mà tôi đang học, rất tiện và cũng đáng tin cậy. Theo các tài liệu chuyên môn thì trầm uất kéo dài liên tục hai tuần là được coi là trầm cảm rồi, nhưng có lẽ hầu như ai cũng đi khám chậm hơn, thường là khi tình trạng ấy kéo dài ít nhất vài tháng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tầm sau 2 tháng cảm thấy liên tục bị trầm uất, ngày càng không kiểm soát được tâm trạng của mình là tôi đã đi khám, so với nhiều người khác vẫn còn là sớm. Tất nhiên con số này chỉ là tương đối, vì gần như không bao giờ xác định được rõ ràng một cơn (đợt) trầm cảm chính xác là bắt đầu từ khi nào.

Tôi cho là bệnh nào cũng vậy thôi, đi khám và can thiệp điều trị càng sớm càng tốt, nếu có thể. Tuy thế, việc đi khám đối với người trầm cảm sẽ trở nên khó khăn hơn khi bệnh này trở lại, chứ không phải là khi nó tới lần đầu tiên. Nếu không muốn đi khám lại thì chắc chỉ có cách học cách sống chung với lũ.

3. Điều trị bằng nói chuyện (Talk therapy)

Sau khi đi khám và có chẩn đoán chính thức của bác sĩ, tôi được cho biết là tôi có thể điều trị hoặc bằng thuốc hoặc bằng nói chuyện với chuyên viên tâm lý hoặc kết hợp cả hai, và tôi cũng được hỏi là mình muốn lựa chọn điều trị như thế nào. Tôi đã chọn điều trị bằng nói chuyện trước và xem kết quả thế nào rồi sẽ quyết định là có dùng thuốc hay không. Sau đó tôi chỉ điều trị bằng nói chuyện mà không dùng thuốc.

Người điều trị cho tôi là một tiến sĩ tâm lý học có nhiều năm kinh nghiệm, là nam giới, và là người gốc Á. Trước khi giới thiệu tôi tới điều trị với vị therapist này, nhân viên y tế có hỏi tôi là tôi muốn làm việc với therapist nam hay nữ, và tôi đã trả lời là tôi không quá quan trọng chuyện ấy. Sau này thì tôi được biết là họ thường ghép cho người trầm cảm làm việc với những therapist có những tương đồng nhất định, nếu không phải là đồng giới thì cũng gần gũi về dân tộc (ethnicity), đại loại thế.

Lịch gặp therapist ban đầu được đặt là hai tuần một lần, sau thì giãn ra. Dù không được báo trước là mỗi buổi nói chuyện sẽ dài bao lâu, nhưng tôi để ý thấy lần nào cũng chừng 45’. Tôi cảm thấy thoải mái với thời lượng ấy, thường một buổi nói chuyện đến chừng ấy là đã cảm thấy đủ. Dĩ nhiên therapist thì luôn khéo léo kết thúc buổi gặp khi gần hết giờ, nhắc lại vài điểm quan trọng đã nói hay những gì sắp tới tôi nên thử làm hoặc tiếp tục làm, rồi đặt lịch cho lần gặp sau.

Gặp therapist nói chuyện gì? Bao giờ therapist cũng hỏi cụ thể tôi ăn ngủ thế nào, có tập thể dục không, các sinh hoạt bình thường ra làm sao, có tự gây thương tích cho mình không, có ý nghĩ hay hành vi tự tử không, rồi gợi ý tôi có thể thay đổi hay làm thêm gì đó. Dĩ nhiên là nói chuyện thoải mái chứ không như hỏi cung, ví dụ hỏi tôi thích ăn gì, thích nấu nướng không, thích nhà hàng nào không… Khuyên bảo nếu có thì cũng nhẹ nhàng chứ không phải là phải làm cái này đi, phải làm cái kia đi.

Ban đầu tôi cũng không để ý đến các câu hỏi kiểu này, nhưng có một lần trước khi đi gặp therapist, tôi tự dưng nghĩ thể nào ông này cũng lại hỏi gần đây ăn gì, ngủ thế nào, có tập thể dục không. Lúc ấy tôi bắt đầu nghĩ ngợi là sẽ trả lời ổng như thế nào, và nhận ra rằng cứ những buổi gặp đều đặn như vậy thực ra giúp theo dõi và điều chỉnh nếp sống của mình rất tốt. Sau đó, tôi tự hình thành thói quen để ý tới nếp ăn nếp ngủ nếp sinh hoạt của mình thường xuyên, có gì bất thường một chút là tôi tìm cách điều chỉnh ngay. Sau này đọc thêm tôi mới biết đó thật ra là một cách hữu hiệu để giúp mình tránh từ trạng thái stress rơi vào trạng thái trầm cảm (coi thêm bài “sống chung với lũ” tôi đã dẫn link ở trên). Mà phòng bệnh thì tốt hơn chữa bệnh, một khi đã để mình sụt vào cái hố trầm cảm thì bò lên rất khó và mệt mỏi, thà rằng tập cách biết khi nào mình ngấp nghé miệng hố để ráng hết sức chuồn trước còn hơn :D.

Ngoài chuyện ăn ngủ nghỉ thể dục thể thao đó ra thì dĩ nhiên nói về những gì làm mình bức xúc, mệt mỏi, chán nản, bất lực, tuyệt vọng, vân vân. Nói chung therapist rất khéo, chẳng cố gắng ép tôi nói ra cái gì cả, cứ để tôi nói tự do tùy ý, rồi hỏi và trao đổi thêm về những điều ấy, không có kiểu cố gắng đi tìm nguyên nhân sâu xa là gì, còn vấn đề gì mà tôi đang giấu nữa không. Cũng chẳng bao giờ nói gì phức tạp hay giải thích lằng nhằng về các lý thuyết diễn giải của tâm lý học mà sau này thỉnh thoảng tôi lại đọc được ở đâu đó. Dĩ nhiên đằng sau những lời “nói chuyện, chia sẻ” tưởng như chuyện phiếm của therapist là một nền tảng học vấn và kinh nghiệm vững chắc.

Còn một vấn đề nữa cũng thỉnh thoảng được nói tới là về những việc đang tồn đọng mà tôi cần làm mà không làm nổi, cơ bản là vì chán nản nên cứ trốn tránh và trì hoãn mãi, và càng trì hoãn thì càng căng thẳng. Đại để là therapist hỏi cụ thể về hiện trạng tồn đọng, rồi gợi ý tôi chia nhỏ công việc ra để làm từng bước một. Sau thì cũng có những việc mình hoàn thành được, có những việc tôi bỏ chả làm nữa.

Nói chung tôi thấy điều trị bằng nói chuyện ấy giống mưa dầm thấm lâu, tôi và một vài bạn tôi biết thỉnh thoảng có cảm thấy sốt ruột và đôi khi là cảm thấy vô ích. Nhưng ngẫm lại tôi thấy nó hữu ích cho cả sau này, thời gian hậu trầm cảm, chứ không chỉ khi đang trong cơn (đợt) trầm cảm.

Đi nói chuyện được một thời gian, một lần therapist hỏi tôi có muốn tham gia điều trị theo nhóm (group therapy) không. Nghĩa là một nhóm những người trầm cảm gặp nhau chia sẻ, nói chuyện với sự hướng dẫn của một therapist. Nhưng tôi từ chối. Therapist cũng không nói gì thêm. Tôi cũng quên không hỏi nên không rõ là vì sao ổng lại gợi ý vậy, là do tình trạng mình xấu đi hay làm sao.

Đợt điều trị ấy kéo dài tầm nửa năm, rồi kết thúc là do tôi về nước. Trước khi tôi về, therapist có dặn là sau này có rảnh thì viết thư cho ổng biết sức khỏe của mình như nào. Thật ra sau đó thì cuộc sống của tôi cũng ổn định lại ngay, nhưng phải hơn một năm sau đó tôi mới viết thư cho therapist hay, để cho chắc là mình đã thật sự ổn chứ không phải chỉ là ổn tạm thời.

4. Nói chuyện với nhiều người

Song song với việc gặp therapist theo định kỳ thì tôi thường xuyên nói chuyện với bạn bè bằng đủ mọi hình thức: gặp mặt, điện thoại, video chat, chat chit, email. Nhiều khi cũng cảm thấy chán chính mình vì cảm giác có mỗi câu chuyện bế tắc mà cứ nhắc đi nhắc lại với bạn bè, mà nói xong thì bế tắc cơ bản vẫn hoàn bế tắc, chán nản vẫn hoàn chán nản. Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ đó là việc nên làm, và là có ích, dù ích lợi có thể khi ấy mình không nhìn thấy được, không cảm nhận được. Và biết đâu trong số bạn bè mình lại có những người có kinh nghiệm hay hiểu biết gì hữu ích cho mình.

Khi tôi nói chuyện với bạn bè về việc mình bị trầm cảm, một người bạn chia sẻ là bạn ấy cũng đang điều trị trầm cảm, mà còn bắt đầu trước tôi. Thế là sau đó chúng tôi hay gặp nhau nói chuyện về tiến trình trị liệu, cập nhật về những nỗ lực của người kia, ví dụ chuyện chạy bộ. Kể ra như thế đỡ hơn là phải cố gắng điều trị một mình.

Việc nói chuyện này dĩ nhiên còn tùy vào cá tính từng người. Tôi làm việc ấy một cách tự nhiên vì bản tính tôi vốn là người hướng ngoại, quảng giao, lúc nào và đi đâu cũng đông bạn lắm bè. Mà nói đến bạn bè nghĩa là những người tôi có thể nói chuyện thoải mái, không phải e dè gì, thật tình trong cuộc sống tôi rất ít các mối quan hệ xã giao.

5. Viết lách

Nói chuyện với bao người như vậy rồi mà ngày ấy tôi vẫn viết lách rất nhiều, nếu không cái đầu tôi nó nổ tung ra mất. (Cách này thích hợp với những người sống nội tâm hơn chăng?) Tôi nhớ có một lần nói chuyện với therapist, ổng nói tôi nghĩ nhiều quá nên đâm ra khó ngủ, nên phải cố gắng “slow your mind down”. Một lần tôi bảo therapist là khi ấy tôi viết nhật ký rất nhiều, ổng nói là như thế là rất tốt, nên có cách để cho những thứ trong đầu mình đi ra. Vậy nên tôi đoán là việc nói chuyện nhiều và viết lách nhiều của tôi ngày ấy là tốt.

Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có các cách khác nhau, không nhất thiết là nói và viết, mà, theo như tôi biết, có thể là vẽ, gấp giấy, viết nhạc, chơi nhạc, dịch, vân vân. Nhưng có lẽ là cứ phải có một hoạt động mang tính sáng tác, chế tạo ra một cái gì đó.

6. Đọc sách

Đầu óc rối ren như vậy nhưng ngày ấy tôi lại lao vào đọc sách, thật chẳng biết lợi hay hại. Chỉ biết là cảm thấy những thứ trong đầu mình diễn đạt ra đã khó, tìm câu trả lời cho những băn khoăn của mình còn khó hơn. Tại sao thế này, tại sao thế nọ. Không trả lời được thì tôi lại càng không yên, vì câu hỏi này lại chồng chất lên câu hỏi nọ. Bởi thế, ngày ấy đang bức bối vì vấn đề gì là tôi kiếm sách đọc, từ sách tâm lý học cho tới triết học cho tới sách tự-cứu (self-help). Tôi chỉ đơn giản là không thể gác chúng sang một bên “mà vui sống”, hay là quên chúng đi, tôi nhất định muốn hiểu tận gốc rễ của những vấn đề ngày ấy đang làm tôi phát khùng lên.

Dĩ nhiên là việc đọc sách ngày ấy có giúp tôi “hiểu tận gốc rễ” mọi thứ không thì tôi không biết, nhưng sau một thời gian tôi cảm thấy nó cũng hữu ích, làm tôi suy nghĩ thông thoáng hơn, nhìn cuộc đời rộng rãi hơn, và biết đâu đã góp phần giúp tôi “slow my mind down”.

7. Tập thiền

Ngày ấy tôi chỉ tập thiền đâu có 1-2 tuần, theo hướng dẫn từ xa của một người bạn. Sau này tôi đọc được trong một cuốn sách là tập thiền để điều trị trầm cảm là tùy xem có hợp hay không – nó là một việc kén người, có người thích, có người không. Tôi chắc là không hợp với việc ấy. Ngày ấy tôi tập là vì có bệnh muốn vái tứ phương, và một người bạn của tôi giải thích rằng thiền tập là rất tốt cho cuộc sống hiện nay, nhất là với những người làm việc trí óc, vì hầu như cuộc sống xung quanh lúc nào cũng rối loạn, dễ gây ra nhiều điều ức chế.

Tóm lại, với trải nghiệm ít ỏi của tôi ngày ấy thì tôi thấy thiền có thể giúp mình thanh lọc đầu óc. Vì tập thiền là tập hướng tới trạng thái không nghĩ gì cả. Ngày ấy tôi tập theo hướng dẫn của bạn là nhìn vào một đồ vật, tập trung mọi ý nghĩ của mình vào vật đó và không nghĩ tới điều gì khác nữa. Bản chất là lấy vật đó để thu hút sự chú ý của trí não mình khỏi những suy nghĩ rối loạn của mình. Bởi thế nên nhiều người tập thiền bằng việc chú tâm vào nhịp thở của mình, bản chất chính là để tâm trí bận dõi theo hơi thở không thể nghĩ lung tung được.

Nói thì đơn giản vậy mà làm khó muốn chết luôn. Đầu óc ta hóa ra cứ luôn sao nhãng theo các ý nghĩ chứ không chịu không nghĩ gì cả. Nhưng có tập thiền mới biết trong đầu mình sao mà lắm ý nghĩ vậy. Cứ tập như vậy – cố gắng không nghĩ gì, rồi lại chạy theo các ý nghĩ, rồi lại cố gắng không nghĩ gì – giúp tôi tự dưng phát hiện ra là mình có rất nhiều suy nghĩ “rác”. Sau khi phát hiện ra vậy rồi thì việc vứt bỏ những “suy nghĩ rác” ấy đi nó trở thành tự nhiên, quả là đầu óc thanh thản hơn, thời gian ngồi yên không nghĩ bất cứ điều gì cứ thế tăng dần lên cùng với việc luyện tập.

Nhưng tôi cũng chỉ trải nghiệm tí tẹo vậy thôi, rồi bỏ tập, và từ đó tới giờ cũng chẳng muốn tập lại. Có thể đơn giản là thiền tập không hợp với tôi.

8. Chạy bộ

Chạy bộ có lẽ hợp với tôi hơn là thiền tập. Thật ra tôi là loại lười vận động. Ngày ấy dù được khuyên tập thể dục, chơi thể thao nhưng tôi lần lữa chán chê mãi mới thèm vác xác đi chạy. Nhưng rồi bắt đầu thì lại càng ham. Trong những việc tôi làm ngày ấy để thoát trầm cảm có lẽ chạy bộ là việc tôi thích nhất và cũng cảm nhận được tác động của nó rõ rệt nhất.

Giữa những ngày sống không bằng chết, chỉ khi đi chạy tôi mới bắt đầu khôi phục lại được cảm giác của mình về sự sống. Mỗi một bước chạy cho tôi cảm giác rõ rệt về cơ thể mình. Cảm giác rất rõ về trọng lượng cơ thể mình, cơ bắp, nhịp thở, lồng ngực, vân vân, cứ như thể tôi là một cái hồn ma lang thang lâu ngày giờ mới được đầu thai vào một cơ thể sống nào đó, mà cái hồn ma đã quên phéng mất việc có một cơ thể sống, một cuộc sống thật là như thế nào.

Ngày ấy, tôi chạy đều đặn nhiều tháng. Mỗi ngày lại cố gắng chạy nhiều hơn hôm qua một chút. Nhiều khi có cảm giác cả cuộc sống của mình khi ấy chỉ có mỗi cái việc chạy bộ một mình hàng sáng rồi về nhà ngồi bệt trên sàn uống một lon ginger ale là có ý nghĩa. (Thời gian còn lại trong ngày có khi lại rơi vào trạng thái trầm cảm.)

9. Buông bỏ những gì gây áp lực

Việc khiến tôi đôi khi lại cảm thấy lấn cấn ở trong lòng, cũng là việc cuối cùng mà tôi làm, chính là buông bỏ những gì gây áp lực và buồn khổ cho tôi nhiều nhất vào lúc ấy. Cũng có khi nhìn lại cảm thấy như mình là kẻ thất bại, yếu đuối, nhưng song song với đó cũng là ý nghĩ rất có thể trên thực tế đó đã là việc quan trọng nhất đã giúp tôi thoát ra khỏi tình trạng trầm cảm ngày ấy. Giống như con khỉ thò tay qua song sắt để nhận một nắm đồ ăn không thể rút tay lại được cho tới khi nó nhận ra rằng để rút tay lại việc duy nhất nó cần làm là buông tay bỏ hết những gì nó đang nắm giữ đi.

Dĩ nhiên, bỏ hay giữ là quyết định của mỗi người, vì chúng ta theo đuổi những giá trị khác nhau. Có người thà chết cũng không chịu thất bại, còn tôi thà thất bại còn hơn là chết :D. Quyết định nào cũng có cái giá của nó, tự lượng sức chịu đựng của mình mà chọn cái giá phải trả thôi.

Như đã nói ở đầu bài, bài viết này chỉ mang tính chất kể chuyện, mô tả lại một trải nghiệm, để ai quan tâm thì đọc cho biết. Tôi không biết mình đã làm đúng điều gì, làm sai điều gì, nhưng nói chung đúng hay sai với tôi cũng chẳng quan trọng. Sau cái mẩu đời mệt mỏi ấy, tôi học được một điều là không nên quá khắt khe với chính mình. Nói như một người bạn của tôi, “chúng ta không chỉ nên rộng lượng với cuộc đời mà còn nên rộng lượng với chính mình”.

25 thoughts on “Khi trầm cảm tôi đã làm gì?

  1. Phong Nhiên

    Cũng từng có cảm giác trầm uất giống bạn, nhưng chỉ kéo dài 1 tháng thôi. Thời gian đó đối với mình thật kinh khủng, điều làm mình thoải mái đầu óc nhất lúc đó là được nói chuyện với nhiều người, đặc biệt là mấy đứa bạn thân, tự nhiên những lúc đó quên đi hết muộn phiền 🙂

    Liked by 1 person

    Reply
  2. Yalenchka

    Chào bạn 🙂 Đang loay hoay tự nhiên nhảy vào trong blog của bạn 🙂 mình bị trầm cảm tổng cộng 5 năm và thời gian trầm cảm kéo dài nhất là 2 năm, những lần trước khoảng 6 tháng hoặc hơn 1 chút 🙂 nói chung mình đi khám nghiệm 3 lần ở 3 bệnh viện khác nhau và được chẩn đoán trầm cảm loại nặng “major depression” và phải uống thuốc gấp, cộng thêm nói chuyện với therapist 🙂 nhưng cuối cùng tất cả do nỗ lực của bản thân từ một người đang có ý định đi tìm cái chết đã trở về một đời sống bình thường mặc dù không như người khác là thích thú làm một việc gì đó nhưng ít ra không còn ý định tự tử. Mình đang tính viết ra để chia sẻ cho những người khác vì bệnh này vô cùng nguy hiểm, vô cùng đau đớn tâm hồn, cái tâm lúc nào cũng thấy đau y như là mồ chôn sống. Mình hiện ở nước ngoài và cũng may gặp được hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt. Sau khi thoát ra khỏi được trầm cảm loại nặng mình mới hiểu những người bị trầm cảm thường là người tốt họ rất nhạy cảm, hay suy nghĩ, hay lo lắng và ôm xô nhiều quá, chu đáo vì người khác quá và vì họ tốt quá nên dễ bị lợi dụng, dễ bị làm tổn thương và một khi đã bị tổn thương thì không biết cách nào giải thoát mà vết thương cứ gặm nhấm qua ngày, cố gắng quên đi nhưng sau đó nó sẽ trồi lên :). Do vậy đừng làm người quá tốt mà chỉ làm người đủ tốt trước nhất là với bản thân :).

    Câu chuyện của mình có rất nhiều “trauma”, ngày nhỏ mình sống bình yên với cha mẹ nhưng kể từ ngày cha mẹ mình cưu mang thêm gia đình họ hàng ngoài Bắc vào Nam sinh sống là y như rằng không có ngày nào cãi nhau, đánh lộn nhau và thậm chí mẹ con mình phải qua nhà người khác ngủ nhờ, bị đuổi ra khỏi nhà và chứng kiến mẹ mình bị đánh đập như thế nào lúc đó mình chỉ là đứa trẻ rất nhỏ, chờ cho tới hơn chục năm sau, bà mình mất, tất cả cảm thấy nhẹ nhõm hơn một tí, những người họ hàng khác trong nam lẫn ngoài bắc liên tục xin tiền, họ sống dựa dẫm quen quá rồi và vì cha mẹ mình là anh chị cả nên phải giúp họ, thậm chí giúp những người ko phải anh em ruột và chỉ là họ hàng xa. Lúc đó là thời năm 80’s nhà nước còn chưa mở cửa cho đến khoảng năm 90’s cha mẹ mình bóp hết miệng ăn của con lại để dành tiền gửi cho đám họ hàng ở quê hay uống rượu xong rồi có ít tiền được gửi ra hống hách bà con chòm xóm, vì phải chi li từng cắc một nên mình và em mình đi học quanh năm suốt tháng có đúng một bộ đồ, ko có bộ thứ hai, bạn bè chế diễu cười cợt, ăn thiếu đói mặc dù nhà không túng, răng cỏ mình bị sâu hết mà cũng ko dám xin tiền bố mẹ đi trám, cho tới khi qua 20 tuổi bắt đầu đi làm là mình đi sửa và trám hết hàm răng, may là còn răng thật. Có lần lớp 7, mình bị tai nạn xe máy đâm vào nặng lắm mà sợ làm tốn tiền cha mẹ nên nhờ cô giáo dạy thêm tiếng Anh đưa đi bệnh viện khám và ký giấy thay, về tới nhà âm thầm chịu đựng. Đi học trung học, mình rất hiền học khá nhưng bị bạn bè và thầy cô bêu riếu nhiều quá, thậm chí unfair treatment cho mình đạo đức hạng E và hễ bất cứ cái gì cũng đổ vào tội mình thậm chí đổ những thứ vô lý và cảm tính như cho rằng mình dùng heroin và ăn cắp tiền thủ quỹ, mình gặp chơi thân với một đứa bạn và cái gì nó cũng đi méc hết cho thầy cô giáo mặc dù nhà nó nghèo hơn nhà mình và thời gian đó mình bỏ tiền ra để đóng học phí, học thêm, thâm chí mua sách vở cho nó, nhưng mà nuôi ong tay áo đấy các bạn ạ. Sau này mình ko còn chơi với loại đó và cạch mặt, từ khi mình nghỉ chơi, có lẽ người bạn ấy đã nhận ra ko phải ai trên đời này cũng tốt như mình nên liên tục liên lạc, tất cả liên lạc mình dứt khoát cắt bỏ. (Mình ước gì cái tình huống của mình năm đó ngày tháng đó ở nước ngoài, mình hoàn toàn có quyền kiện thầy cô giáo ấy vì họ vi phạm vào đời sống cá nhân và làm học sinh bị trauma vì ở nước tiên tiến họ có luật rất rõ ràng chứ ko phải như ở việt nam, thầy cô là Chúa!!!). Đến lúc tốt nghiệp Đại học chỉ vì nói lại với em gái của bố, bà ta quá đáng ko chịu nổi, dựng chuyện nói mình mượn tiền ko trả rồi bắt bố mẹ mình trả, đâm ra cãi nhau, bố mình đuổi mình ra khỏi nhà đêm hôm đó, thế là sáng hôm sau mình cuốn gói ra đi và đó là lần ra đi vĩnh viễn ko quay trở lại, mình trong túi còn vài trăm ngàn khăn gói về sài gòn ở nhà ngoại, mấy bà dì là người mẹ mình đang giúp đỡ cho mượn tiền xây nhà nhưng rất tính toán với mình, chi li từng cắc, ngày nào ko đóng tiền là ko có một hột cơm để ăn, lúc đó mình khoảng 21 mới bắt đầu đi làm, lương tháng chỉ đủ đổ xăng, thậm chí trong túi còn đúng 10 ngàn, ko biết ngày mai ăn gì mà một dĩa cơm thời đó ít ra phải 15 ngàn. Ở cùng mấy bà dì cũng ko xong, bị mấy bả dựng chuyện nói xấu trước mặt bạn bè, ngủ đâu dc nằm giường cao nệm ấm, đêm tới toàn gián rệp bò quanh, đi tắm múc nước trong cái lu mốc rong rêu cả lên, họ ko để mình yên dù chỉ một ngày, mình trốn vào thư viện đến khuya hằng ngày và quyết học tiếng Anh, mong ước chỉ được thoát khỏi cái cảnh này thôi, lúc đó mình ngu lắm, phổ thông có học tiếng Anh đâu. Trời cao đất rộng, sau rất nhiều lần nộp hồ sơ thất bại mình nâng cao bài viết, projects và đủ thứ, cuối cùng đã nhận được học bổng toàn phần đi châu Âu, lúc đó mừng lắm vì thoát khỏi cái cảnh màn trời chiếu đất, ăn ko đủ, mặc ko dư, ngủ chật chội còn tắm tính từng gáo nước.

    Ra tới nước ngoài mà trong túi có đúng 200 €, thậm chí tới cái bến tàu mà ko biết đó là đâu, đi tới đi lui nghĩ sao mình lại ở cái chỗ này, giờ kẹt cứng, đợi mãi gần chập tối mình rảo bước đi một vòng tự nhiên thấy cái xe hơi đậu có ghi tên trường nên vội tới hỏi đại, ai dè đúng và được đưa về ky túc xá. Tháng học bổng đầu tiên đều gom hết gửi cho bố mẹ và cứ đều đặn thế, những bà dì đối xử mình xấu, cũng gửi tiền về cho thậm chí mua thuốc biếu ko, cứ như thế gần cả 10 năm trời ròng rã, lần nào về vn cũng đi thăm họ, quà cáp đắt tiền, dúi thêm tiền mặt nhưng họ vẫn sưng xỉa, ăn nói bỗ bã vào mặt mình, thái độ kênh kiệu cứ làm như mình buộc phải đi cung phụng họ mà họ ko hiểu thật ra họ chẳng là cái gì, chẳng qua mình ko muốn làm phiền lòng cha mẹ mình mà thôi và giữ kẽ chòm xóm. Thậm chí có lần vừa gửi hơn chục triệu cho đứa em họ giúp nó nhà trọ và học hành thì nó tuyên bố ko nói chuyện với mình nữa, thật là cái thân mình khốn nạn, còn bạn bè giúp ko biết bao nhiêu tiền, những người già ko đi làm được mình đều gửi tiền trả tiền phòng trọ cho họ nhưng sau mới phát hiện ra con cháu của họ quá lười sống ỷ lại vào cái nghèo, họ dùng cái nghèo để mưu sinh đó bạn ạ.

    Ở nước ngoài mình bị tai nạn, bệnh tật ốm yếu, đi ngã trong đống tuyết âm cả 20 độ, trượt bể xương cụt, gãy khớp chân giờ vẫn còn đau, bị bệnh về não, hay ói nhức đâu đi khám suốt vài năm mới phát hiện ra mình bị bệnh di truyền gen lặn chỉ sống dc thêm 17 năm nữa. Lúc đó trời đất choáng váng, chán lắm cơ!. Gặp thêm mấy thằng đạo hồi gây chuyện, đập phá thậm chí còn súy cưỡng hiếp…Sau gặp một anh lấy làm chồng nhưng lại đi ngủ với một con du học sinh mới qua người Hà Tĩnh, thế là chúng mình chia tay, của nả mình cho anh ấy hết, chẳng đòi cái gì cũng chẳng muốn giữ, lúc đó là bắt đầu vào đợt dài nhất trầm cảm suốt 2 năm đau khổ, uất ức…thất vọng nhiều thứ, lòng tốt của mình đặt sai chỗ…mình cảm thấy như mất hết.

    Trước đó mình có đọc về dân chủ vì nước ngoài nhiều thông tin, tự nhiên tò mò đi đọc chuyện chính trị, hiểu ra thấy nản ko thể tả, thấy thương sót dân mình vô cùng, rồi mình rơi vào trạng thái trầm cảm đợt đầu tiên kéo dài khoảng 6 tháng, sau khi qua khỏi mình quyết phải phục vụ cho nhân dân, mình gửi tiền quà và những dụng cụ cần thiết cho những người bị bức hại ở việt nam, liên lạc với mấy cái nhà tự gọi là dân chủ để chia sẻ hỏi han và tìm nhiều cách giúp họ…nhưng hỡi ơi, sau đó mình nhận lại nhiều gáo nước lạnh, chi tiết mình ko viết ra đây, nhưng tóm lại mình đã bị trầm cảm vì chính trị, sau mình quyết định thoát và bây giờ sau 7 năm mình đã thoát và hoàn toàn ko quan tâm nữa, mình hiểu ra mình chỉ là hạt muối, chưa giúp dc bản thân thì giúp nổi ai, ko làm nổi!!!

    Mình đi học thiền và ngồi thất khoảng 2 năm, có nghĩa là vài tháng mình vô thất 1 lần, mỗi lần vô thất, đầu nó đau nhói vì chuyện cũ cứ trồi lên, đang ngồi thiền mà nước mắt chảy ròng ướt hết cả áo tu. Đến mức ko chịu nổi xin bỏ thất đi ra, xong rồi cũng vào lại để rèn ý chí, rèn khả năng chịu đau của mình tới đâu. Thật sự thiền quán chẳng hiệu quả gì cả, nó chỉ bắt nhốt cái đau đi mà bắt sao nổi, mình tìm cách khác của thầy Thích Thông Lạc là ko ngồi thiền mà xả ra, cứ cái chuyện cũ trồi lên thì xả ra nhưng thật ra cũng ko làm nổi chỉ chút chút thôi…Cuối cùng mình mới hiểu nếu để cái tâm mình vào đâu thì cái tâm sẽ đi theo cái đó, ví dụ đưa tâm vào môi trường bạo lực vì cái tâm lúc nào cũng chỉ muốn đấm đá, càng bắt nhốt ép cái tâm thì nó càng bung ra, mình để cho nó bung, mình quay lại tìm một số người đã từng làm khổ mình, chửi họ vài bài như xả trận cuồng phong nước lũ và mình cảm thấy đỡ hơn. Nếu bạn là Phật giáo bạn phải học cách bỏ qua, nhẫn nhịn thì bạn cứ làm bravo, còn tớ chịu thua, tớ rất cố nhưng ko làm nổi, tớ phải nói cho những người từng làm khổ tớ cái tội ác của họ. Có những đứa bạn quen nhau từ nhỏ, chưa bao giờ mình nghĩ nó xấu cả hơn 20 năm, mình giúp nó hết mình cả thể chất, tinh thần và cứu ra khỏi vòng lao lý…nhưng cái kết nó nói gì, nó nói mình ko xứng đáng làm bạn của nó! Thật là cuộc đời.

    Câu chuyện chưa hết ở đây đâu, còn gặp nạn phân biệt chủng tộc trong công việc, bị đuổi cổ và bị chửi piss off, thậm chí đi làm tiến sĩ mà còn bị cho ra ngoài ko trả lời thư, ko giúp đỡ gì hết và dồn ép đến nước mình phải bỏ dở tiến sĩ và ko bao giờ quay lại nữa. Những công trình, dự án viết ra bị ăn cắp trắng trợn, kiện ko kiện được, thậm chí có những bài báo sử dụng dữ liệu của mình nhưng ko đề tên mình vào đó, viết thư cho nhà xuất bản lớn tận Mỹ cũng chả giải quyết được gì, họ chỉ nói họ ko có quyền thay tên…

    Rồi mình rơi vào trạng thái kéo dài ko tập trung, đau đớn, ko làm dc việc gì cả, ngồi 5 phút phải đứng, tập gym dc 10 phút là muốn thoát khỏi phòng tập, mất hết thích thú vào nhạc nhẽo và thứ khác, mình ko biết từng ngày trôi qua như thế nào, tất cả tối sầm, đóng úp, mình thấy ko thể nào thở dc, vội gọi cho bệnh viện, mình cần giúp đỡ!!!! Và thế, mình chẩn đoán trầm cảm loại quá nặng, cần gấp điều trị đặc biệt, dùng ngay thuốc antidepressant và hằng tuần đều có vài người tới thăm nhà thường xuyên vì họ sợ mình tự tử…họ đến nhà rủ mình đi bộ, đi hoạt động ngoài trời, mình tự đi tập thể thao, coi phim, bơi lội…đã kéo dài như vậy hơn 1 năm, nó giúp mình đỡ hơn nhưng ko thoát dc buốn chán, mình cố kiếm cách thoát, mình tự tin mình sẽ thoát, tự nói thế với bản thân và hằng ngày cố tìm một suy nghĩ tích cực, nói những lời tích cực, ko nói những lời neutral hoặc negative, ko nghĩ điều xấu, tiêu cực…tập dừng mọi suy nghĩ vì một suy nghĩ phát ra trong đầu mang một năng lượng, hãy tiết kiệm năng lượng đó cho cơ thể và như thế mình tiết kiệm năng lượng cho cơ thể bằng cách tiết kiệm suy nghĩ…và như thế như thế…mình thoát trầm cảm loại nặng…bây giờ có lẽ nhè nhẹ một chút nhưng ít ra mình tự hào chính bản thân mình. Mình còn muốn thành lập một hiệp hội chống trầm cảm cho người Việt Nam vì thực ra ở VN rất ít dc chăm sóc sức khỏe tinh thần, nếu mình ở VN có lẽ giờ này mồ đã xanh cỏ :).

    Chúc các bạn một ngày tốt lành! và hay sống cho bản thân mình trước 🙂

    Liked by 1 person

    Reply
    1. HA Post author

      Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Bạn emotional thế :P. Kêu sống cho bản thân mình trước mà còn muốn lập hiệp hội chống trầm cảm cho người VN. Bạn ơi ở VN giờ có nhiều nhóm hỗ trợ người trầm cảm do cộng đồng lập ra, cũng không ít người học ở nước ngoài về làm việc về sức khỏe tâm thần mà. Nói bạn đừng giận chớ nghe nhiều chuyện bạn kể mình thấy bạn hấp tấp quá vậy, chưa biết người ta ra sao đã mang hết của nả đem cho này nọ rồi bảo là vì lòng tốt mà bị thiệt. Bản thân lòng tốt đâu gây hại cho người mang lòng tốt đâu, nhưng lòng tốt cần đi với suy xét thực tế nữa chớ.

      Chúc bạn gặp nhiều may mắn trong quãng đời phía trước. Đừng nhìn mọi thứ phiến diện, xã hội tây cũng như ta đều có chuyện tốt chuyện xấu, đừng take things for granted rồi lỡ đời nó hổng như mình nghĩ lại trầm uất thì mệt thân. Take care nha. 🙂

      Like

      Reply
      1. Terri

        Dear HA, mình muốn biết về nhóm hỗ trợ người trầm cảm tại VN mà bạn đã nêu, bạn có thể giúp mình connect với họ được ko? Cảm ơn HA nhiều (thaonp@thanhan-hanoi.com.vn).

        Like

    2. hằng

      Chị có xài facebook ko . Co the ket ban ko. E đag bị trầm cảm nặng . mất niềm tin trong cuộc sống .song không mục đích tương lai . E cảm thấy rất tuyệt vọng .mong chị giúp e

      Like

      Reply
    3. Hanh

      bạn ơi bạn có facebook không? cho mình hỏi chút được không? mình cũng bị trầm cảm nặng
      và mình cũng muốn thoát khỏi nó như bạn

      Like

      Reply
  3. Anonymous

    Cháu chào cô. Cháu vốn đã có sự trầm uất từ lâu nhưng không đi khám. Hiện nay cháu ra ngoài rất ít, cảm thấy tình trạng của mình ngày một xấu đi. Cháu cảm thấy không tin tưởng ai và hay dằn vặt bản thân. Cháu cảm thấy hoàn toàn không muốn làm gì. Cháu không muốn tiếp xúc với người khác và muốn thu mình vào không gian hẹp, cảm thấy an toàn với không gian ấy. Cháu cũng không muốn đi khám lần nữa vì không tin tưởng bác sĩ, không muốn uống thuộc vì sợ sau này cuộc sống mình phải phụ thuộc vào thuốc. Cháu cảm thấy dễ bị kích động và mỗi khi bị kích động là có hành vi tự làm đau mình và có ý muốn chết để giải thoát. Cháu muốn tự thoát ra khỏi tình trạng này nhưng không biết phải làm như thế nào. Cháu đọc thêm sách nhưng bữa đọc bữa không, tâm trạng thất thường khiến cháu chán nản và không muốn duy trì một thói quen nào. Cháu mong cô có thể cho cháu lời khuyên ạ. Cháu cảm ơn.

    Like

    Reply
    1. HA Post author

      Chào bạn,

      Bạn thử nói chuyện với nhà tâm lý trị liệu mà mình đã giới thiệu trên blog này xem (https://tamlydoisong.wordpress.com). Nhà tâm lý trị liệu không phải là bác sĩ khám cho bạn rồi cho bạn đơn thuốc nhé. Chỉ là nói chuyện thôi. Bạn có thể liên hệ với chị ấy qua email, blog, điện thoại nếu bạn chưa muốn đến gặp.

      Chúc bạn khỏe.

      Like

      Reply
  4. D a t

    Tôi cũng bị lâu rồi. Nhưng thực sự ko ai hiểu được để chia sẻ…bế tắc quá mn ơi…mong mn cùng chia sẻ kinh nghiệm để tìm con đường thanh thản hơn chứ ko phải cuôc sống nhìn thấy toàn địa ngục trần gian @@

    Like

    Reply
  5. Pingback: Khi trầm cảm tôi đã làm gì? – Trầm cảm không phải là bệnh

  6. crazy000

    Chào cô,
    Con cũng đang trong giai đoạn trầm cảm thì đọc được post của cô. Con sang pháp du học được gần hai năm. Mọi thứ mới mẻ, tiếng mới, chương trình học tập rất nặng. Con bị sốc về ngôn ngữ cũng như cuộc sống nơi đất tây, về kết quả học tập thấp lè tè. Từng là học sinh ngoan, giỏi sang Pháp con như bị đạp xuống tận cùng của xã hội. Cứ mỗi lần đến thi cử con lại càng stress hơn. Ý nghĩ tự tử bắt đầu xuất hiện từ năm đầu con sang, và dạo gần đây có xuất hiện nhiều hơn. Bản thân con mỗi ngày luôn cố gắng nghĩ một lí do gì đấy có thể giúp con trì hoãn được cái ý nghĩ này nhưng con thật sự rất sợ. Một vòng cuộc sống của con chỉ có đến trường học, đi siêu thị nấu ăn rồi lại đập mặt vào học tiếp. Con học không tốt sẽ bị người Việt nói sau lưng, lên lớp thì nêu ý kiến tụi bạn Pháp làm nhóm lại ko tôn trọng mình. Quá nhiều vấn đề khiến con cảm thấy rất nản ạ

    Like

    Reply
    1. HA Post author

      Ở trường bạn hẳn là có hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên, bạn nên tới đó tìm kiếm sự giúp đỡ. Chắc chắn bạn không phải là sinh viên duy nhất trong trường chịu áp lực nặng nề vì chuyện học hành nên thường các trường đều có các hình thức nào đó để hỗ trợ sinh viên, bạn nên tìm hiểu.

      Bạn cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình, nói chuyện với giáo viên về khó khăn trong học tập, nói chuyện với bạn bè xung quanh, trên lớp. Học hành tuy vất vả nhưng chỉ bó hẹp cuộc sống của mình trong học hành ăn ngủ cũng không phải là cách tốt nhất đâu, bạn thử cố gắng mở rộng cuộc sống của mình ra một chút.

      Đừng cố gắng một thân một mình gánh vác cả cuộc đời mình trên vai. Chúc bạn nhiều nghị lực và may mắn.

      Like

      Reply
  7. Lạc Nhân

    Chị đừng đắn đo suy nghĩ nhiều về những lời khuyên , chỉ cần bản thân chị có ý tốt là được . Năm ngoái cũng nhờ những mail động viên của chị mà em đã cảm thấy khá hơn rất là nhiều . Em thấy bản chất của cuộc sống là không nên phức tạp hoá mọi thứ .
    LIFE IS EASY . Sống lạc quan , đơn giản , hành động nhiều hơn em tin là thành công sẽ tìm đến với chị , em và tất cả mọi người .

    Like

    Reply
  8. Thu Thuỷ

    Em chào chị. Mẹ e bị trầm cảm gần 1 năm nay, mẹ e có đi khám và được chỉ định điều trị theo đơn thuốc nhưng mẹ e không muốn uống vì sợ phụ thuộc vào thuốc (mẹ e làm bên dược nên có hiểu biết về thuốc). Nên e muốn tìm hiểu về phương pháp điều trị tâm lý, nói chuyện với chuyên gia ạ. Nếu chị có biết thông tin về chuyên gia tâm lý ở Hà Nội mong chị có thể giới thiệu cho e với ạ. E xin chân thành cảm ơn. Mong hồi đáp của chị.

    Like

    Reply
  9. Anonymous

    Chia sẻ cho các bạn địa chỉ tư vấn trị liệu trầm cảm uy tín tại Hà Nội. Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng: 098.11111.00

    Like

    Reply
  10. Hiep

    Dạ tôi cũng đang loay hoay với trầm cảm không thì đọc thấy bài chia sẻ của bạn và mọi người. Thật sự, mọi chuyện đều bắt đầu từ những điều bình thường khi gặp phải dần dần lại không giải quyết được nên trở nên bệnh nặng.

    Tôi ở VN nên không có điều kiện đi khám và nghe tư vấn, hơn nữa tôi cũng không thích cách bác sĩ VN họ chửa bệnh. Về bệnh thì cũng giống mọi người tôi cũng tự tìm hiểu và thấy có các cách chữa bệnh như bạn Hồng Anh đã chia sẻ.

    Tôi bị stress bởi công việc rồi dần lan sang chuyện cuộc sống, mọi thứ rối rắm ngày càng tệ đến nỗi tôi bị chứng sợ thất bại vì đặt mục tiêu tham lam rồi lại không hoàn thành hết lần này đến lần khác, tôi thậm chí tự nghĩ việc để tập trung mà lại thành ra bị nặng hơ.; nhưng cũng may tôi tự hiểu và biết mình nên thay đổi cách sống, cách nghĩ và mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực hơn giúp giải quyết được khá tốt. Tôi thấy chia sẻ về việc sáng tạo của Hồng Anh rất hay, có lẽ vì tôi cũng là người nội tậm nên thấy hợp với điều này.

    Trên có bạn nào chia sẻ do đọc về chính trị xã hội ở VN mà bị thêm bệnh, tôi thấy cũng rất lý thú vì bây giờ tôi cũng biết là sau khi đọc thêm nhiều sách báo,bài viết tôi đã tự khai trí khá tốt và gặt được ít vốn tranh luận phản biện ở góc độ cá nhân.Trước đây, tôi tham gia tranh luận trên mạng xã hội khá nhiều, tôi nghĩ là mình làm thế là tốt và kỳ vọng một sự thay đổi hơi nhiều thời gian qua và khi thấy sự phát triển của xã hội bị chính quyền cản trở thậm chí đe dọa với các cá nhân dám hy sinh thì bản thân cũng bị gặp một hiện tượng kiểu như bị tự thấy cô lập với xã hội do việc hàng ngày nhìn điều sai trái và mình dù không thích vẫn phải làm rất không thoải mái, ở một xã hội bị hệ quả là chuyện sai trái mà vẫn rất tự nhiên được xảy ra chả ai bận tâm dẫn đến cảm thấy cũng bất lực như chuyện của cá nhân. Tôi cũng đang phải thích ứng dần như bạn chia sẻ mình cũng chỉ là giọt nước thôi, nên mình sẽ sống tốt như mình muốn trước dù phải thích ứng thế nào,và không quên vẫn ũng hộ những điều tốt đẹp vì dù sao cái ác sẽ không chiến thắng đến cuối cùng.

    Liked by 1 person

    Reply
  11. Dung

    Nếu bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực thì bạn nên đến Bệnh viện Tâm thần để được điều trị nhé. BV Tâm thần ở TP.HCM là ở 766, Võ Văn Kiệt, phường 1, Quận 5 nhé

    Like

    Reply

Leave a comment