Manchester United – câu chuyện của tôi

“Tôi đã yêu điên cuồng Manchester United chỉ đơn giản bởi tôi đã mê mẩn Eric Cantona ngay từ những lần xem bóng đầu tiên. Chấm hết. Không có lý do thứ hai.”

Những dòng này tôi đã viết ra hồi hè năm ngoái, sau khi cố gắng tìm hiểu lý do tại sao tôi lại có thể ngủ quên trong trận chung kết World Cup 2018 sau một mùa hè rất say sưa xem bóng. Nhưng thực ra ký ức của tôi về những ngày mới xem bóng cách đây hơn hai thập kỷ thì có chút mơ hồ, bởi ngày ấy tôi mới chừng 10 tuổi.

Những ngày đầu

10 tuổi là lần đầu tôi xem một giải bóng đá lớn – USA 1994, nhưng tôi không nhớ mình thật ra bắt đầu xem bóng từ khi nào, bắt đầu từ giải đó hay trước đó nữa. Đại để là xung quanh quãng đó, giữa những năm 1990, cái thời mà “Dunhill London hân hạnh giới thiệu giải bóng đá ngoại hạng Anh” ấy. Nhưng sớm nhất chắc cũng chỉ tầm năm 1993 thôi, vì chắc chắn là tôi không biết gì về Euro ’92. Tới năm 1996 khi đã biết tự đi mua tờ lịch gấp về Euro ’96, tôi vẫn còn phải chỉ vào cái anh cầm Cúp ở bìa mà hỏi bố tôi đây là ai, và lúc ấy mới biết tới câu chuyện của tuyển Đan Mạch ở Euro ’92. Tôi cũng không nhớ là phải mất bao lâu và như thế nào tôi mới biết là cái anh Peter cầm cúp đó hóa ra lại đang chơi cho Manchester United. Hồi mới xem bóng ban đầu tôi cũng chỉ có khái niệm “các đội bóng”, chứ chẳng biết là các đội tuyển quốc gia với các CLB bóng đá lại là những thứ hoàn toàn khác nhau.

Giữa những ngày xem bóng một cách ngô nghê hồn nhiên ấy, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là Eric Cantona. Như đã nói ở trên, đó là người đầu tiên, có lẽ cũng là người quan trọng nhất, đã dẫn đường cho tôi trở thành fan của Manchester United. Tôi không thể phân tích được nhiều về Cantona như là một cầu thủ hay như là một con người nói chung vì khi xem anh chơi bóng tôi chưa hiểu nhiều về bóng đá, lại càng không quan tâm tới những chuyện bên ngoài sân cỏ, và ngày trước thông tin cũng không có nhiều.

Nhưng cái đó cũng không quá quan trọng, vì tới giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi xem anh chơi bóng, cảm nhận được từ đó một nguồn năng lượng, một niềm kiêu hãnh dường như không bao giờ cạn. Ngày đó, khái niệm “thần tượng” chưa phổ biến như bây giờ, nhưng tôi đã nhìn Cantona như một cái gì đó kỳ vĩ, lớn lao, hơn cả là một cầu thủ bóng đá. Sau Cantona, tôi vẫn hâm mộ nhiều cầu thủ khác, nhưng chưa có ai có sức truyền cảm mạnh mẽ tới tôi như Cantona cả.

Nếu nghĩ về những ngày đầu tiên tôi biết tới Manchester United, thì có thể nói lòng hâm mộ của tôi cũng chỉ gói gọn ở Cantona mà thôi. Tháng 05/1997, khi Cantona giải nghệ, ấy mới là lúc tôi thực sự bắt đầu nhìn Manchester United ở những khía cạnh khác.

Mùa giải 1998-1999

Nếu không vì Cantona thì có lẽ tôi cũng không quan tâm tới Manchester United (hay là đội tuyển Pháp ở một chừng mực nào đó). Nhưng nếu không có mùa giải 1998-1999 thì tôi cũng không chắc mình sẽ làm fan của Manchester United trong bao lâu. Tôi may mắn đã được sống hết lòng hết sức với Man United mùa giải đó, mùa giải đầu tiên mà tôi đã bắt đầu ghi chép chi tiết về từng trận đấu, thu thập từng mảnh thông tin, từng bài báo, từng bức ảnh của từng cầu thủ trong đội bóng, thuộc lòng tất cả những ngày sinh nhật hay năm sinh của các cầu thủ mà tôi biết, bắt đầu viết những phân tích bóng đá đầu tiên trong đời, tự mình làm những thống kê vào cuối mùa giải, làm một quyển scrapbook riêng cho mùa giải năm đó (đến giờ vẫn chưa hoàn thành vì vẫn còn trang trắng và năm nay kỷ niệm 20 năm mùa giải huyền thoại ấy đã có khá nhiều bài viết mới, cùng những hồi tưởng của các cầu thủ mà tôi mới tạm thu thập nhưng chưa đưa được vào hết).

Thật ra các mùa giải sau tôi cũng không ghi chép được chi tiết như mùa giải ấy, giờ thì lại càng không vì dữ liệu thô đã quá sẵn và mối quan tâm của tôi với Man United cũng đang đi vào những tầng sâu hơn với những câu chuyện bên dưới chứ không chỉ còn là việc ai đã ghi bàn cho Man United vào phút nào ở trận nào nữa. Nhưng mùa giải 1998-1999 đã vĩnh viễn biến tôi trở thành một CĐV của Manchester United suốt đời.

Những năm đầu những năm 2000

Năm 1999 là một đỉnh cao chói lọi trong lịch sử Manchester United. Nhưng khi đang ngây ngất trên đỉnh cao, người ta ít khi chuẩn bị tinh thần đi xuống, nhất là khi hai mùa giải sau đó Man United vẫn tiếp tục vô địch ngoại hạng dễ như ăn cháo. Mối quan tâm của tôi khi ấy chỉ còn là cúp C1 vì ngay sau năm 1999, chiếc cúp đã tuột khỏi tay và Man United thậm chí còn không đi được tới trận cuối cùng. Người ta bắt đầu xôn xao, cà khịa chuyện năm 1999 chỉ là “ăn may” (cho tới tận bây giờ!) Một năm thất bại, hai năm thất bại, rồi lại tiếp tục thất bại.

Giống như một người có được thành công quá sớm từ khi còn trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối diện với thất bại vốn không bao giờ tránh được trên đường đời, tôi đã được trải nghiệm đỉnh cao của đội bóng quá sớm khi còn quá trẻ, để rồi gục ngã vì những thất bại liên tiếp sau đó. Tôi vẫn nhớ như in cái đêm mà Man United đã thua AC Milan tại vòng knock-out ở Champions League năm 2005, tôi đã thấy rất đau, và nó như một giọt nước tràn ly đã khiến tôi bỏ cuộc. Tôi quyết định dừng xem Manchester United.

Manchester United có lẽ chiếm tới 80-90% trong mối quan tâm của tôi dành cho bóng đá. Bởi vậy, ký ức của tôi về giai đoạn mà tôi đã dừng xem Man United lại trở nên mơ hồ. Nhưng tôi nhớ năm 2006 tôi vẫn còn xem World Cup bởi tôi vẫn nhớ đã viết một bài dài sau khi Đức bị loại, còn gửi cho một tờ báo thể thao để rồi họ đăng lên một bản cắt gọn chỉnh sửa mà tôi không thích, nó khiến tôi vô cùng tức giận và từ đó trở đi không bao giờ mảy may nghĩ tới chuyện viết bài cho một tờ báo thể thao nào nữa.

Có lẽ năm đó cũng là năm tôi đã quyết định bắt đầu cổ vũ cho tuyển Đức, một đội bóng vô cùng thực dụng, như một cách để lấp đi nỗi đau thất bại ở Man United. Dĩ nhiên với một tình cảm vụ lợi thiếu chân thành như thế thì tôi cũng chỉ đứng trong hàng ngũ fan rởm của tuyển Đức mà thôi, dù là hè năm ngoái tôi cũng có cổ vũ họ nhiệt tình và đây là đội bóng duy nhất mà tôi có một chiếc áo đấu 😀 .

Mùa hè 2008

Tôi chắc tới 90% là tôi đã ngừng xem Manchester United kể từ sau trận thua AC Milan tại Champions League năm 2005, và tôi chắc 100% là sau đó có những năm tôi đã bỏ hẳn bóng đá ra khỏi cuộc đời mình, bỏ xem kể cả các giải lớn như World Cup 2010, Euro 2012, World Cup 2014, Euro 2016, thậm chí không còn đọc tin tức, không mảy may quan tâm ai vô địch, không cần biết Manchester United sống chết ra làm sao, dù cũng có biết một vài chuyện như việc Beckham chuyển tới Real Madrid hay Solskjaer treo giày.

Giữa những năm tháng ấy, không hiểu thế nào mà số phận lại đẩy tôi trở lại với Manchester United và bóng đá vào đúng mùa hè năm 2008, năm mà chúng tôi có chiếc cúp vô địch Champions League lần thứ hai dưới thời Sir Alex Ferguson, và cũng mới chỉ là chiếc cúp C1 thứ ba trong lịch sử CLB, tính tới tận thời điểm này.

Đó là một đêm hè ở Huế. Tôi khi ấy đang vác ba lô một mình lang thang ở mấy tỉnh miền Trung để thanh lọc đầu óc sau khi rời bỏ công việc đầu tiên mình làm sau khi tốt nghiệp đại học. Như đã kể ở một entry khác, run rủi thế nào tôi lại gặp một người bạn học cũ ở đây và nhân dịp tình yêu một thời Manchester United rốt cục đã lại vào được đến trận chung kết Champions League, lần đầu tiên kể từ cái năm 1999 thần thánh ấy, nửa đêm nửa hôm tôi đã theo chân cậu bạn ra quán coi trận chung kết ấy. Chắc cả đời này tôi cũng không bao giờ quên được cú sút hỏng của John Terry bên phía Chelsea hôm đó. Lại một lần nữa Manchester United bắt tôi phải đi tới cận kề cái chết rồi đột ngột lôi tôi trở lại với một hiện thực như mơ.

Đêm hè đầy cảm xúc năm 2008 ấy đã không mang tôi trở lại với Manchester United, tôi vẫn tiếp tục một cuộc sống không bóng đá trong cả một thập kỷ sau đó. Nhưng mỗi lần nhìn lại, tôi lại thấy một cảm xúc khó tả khi số phận đã sắp đặt cho tôi được chứng kiến cái đêm quan trọng của Man United ở Luzhniki năm ấy.

Sau trận chung kết ấy, thực ra tôi đã xem Euro 2008, nhưng sau này tôi thậm chí không còn nhớ mình đã xem giải đấu ấy. Chỉ tới khi một lần đọc lại những bài viết cũ, có lẽ là khi chuẩn bị viết bài “Bóng đá và tôi, sau 10 năm“, tôi mới dần dần hồi tưởng lại một vài ký ức về kỳ Euro năm đó. Từ năm 2008 tới 2018, bóng đá trong tôi là một khoảng trắng, Manchester United cũng chỉ còn là một ký ức.

2018-2019

Tôi không biết ngày xưa mình đã đến với bóng đá trước hay với Manchester United trước, nhưng năm 2018 tôi đã trở lại với bóng đá trước, sau đó mới là trở lại với Manchester United.

Sau một mùa hè say sưa với World Cup 2018, phải tới tận giữa tháng 12/2018 tôi mới bắt đầu xem United trở lại. Ngày 16/12/2018, Man United gặp Liverpool tại sân Anfield. Thua 3-1. Nói chung thua thì cũng không phải vấn đề lớn. Tôi khi ấy cũng đã lơ mơ biết Man United đã tụt dốc rất nhiều, thậm chí có năm đã không còn được chơi ở cúp C1. Nhưng phải chứng kiến một Man United vô hồn, sợ hãi, lúng túng không biết làm gì với quả bóng, tôi vẫn cảm thấy rất bất ngờ. Đúng là thời gian đã qua đi, biết là không ai có thể ở mãi trên đỉnh cao, và dù đã bỏ theo dõi Man United trong rất nhiều năm, tôi vẫn cảm thấy đau lòng khi phải chứng kiến một Man United thảm hại đến như thế.

Nhưng tôi chưa kịp nghĩ gì nhiều thì Mourinho đã được tiễn bước ra đi và Ole xuất hiện trong sự bất ngờ của hầu hết tất cả mọi người. Rồi các câu chuyện còn chưa kịp râm ran thì Man United đã lột xác trong một đêm để trở thành một hình ảnh rất khác tại Cardiff chỉ vài ngày sau đó. Từ đó đến giờ lại đã gần một năm trôi qua, sau thời gian trăng mật ngọt ngào với Ole lại là thác ghềnh khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao.

Khi tôi trở lại lần này, Manchester United đã khác rất nhiều so với một Man United tôi đã từng biết và đã từng yêu. Nhưng bản thân tôi giờ đây cũng đã khác nhiều so với tôi của cái thời xem bóng còn rất ngây thơ và căm ghét thất bại. Sau khi phải tự mình học cách đối diện và vượt qua thất bại trong cuộc đời của chính mình, tôi giờ đây đã trở thành một CĐV cứng cáp hơn. Cảm xúc lên xuống cùng Man United thì vẫn có, nhưng tôi thấy mình sáng suốt hơn khi nhìn vào những câu chuyện xoay quanh đội bóng, đặc biệt là khi giờ đây tôi có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin và nhiều ý kiến phân tích hơn.

Hiện các trang mạng tôi thường đọc gồm có Manchester Evening News, manutd.com, goal.com, fourfourtwo, These Football Times, trang bóng đá của skysports, hay mới đây nhất là thebusbybabe. Tôi không hâm mộ các trang tiếng Việt lắm, nhưng vẫn đọc TT&VH, trang thể thao của soha, và bongda24h. Ngoài ra, tôi cũng đang túc tắc đọc cuốn The Manager: Inside the Minds of Football’s Leaders của Mike Carson, khá thú vị dù hơi cũ (xuất bản năm 2013).

Đã có một thời gian dài tôi thấy mình tự định nghĩa bản thân trên các mạng xã hội là một người “thích cái đẹp, ưa viết lách, và yêu Manchester United suốt đời”. Có lẽ tới giờ, tôi cũng vẫn chỉ là một người đơn giản như vậy thôi.

4 thoughts on “Manchester United – câu chuyện của tôi

  1. norah

    Glory glory manutd!!!

    Vậy là mình xem bóng đá cùng thời đó và có cùng thần tượng. Năm nay để kỷ niệm, mình đã tìm mua chiếc áo đấu của manutd năm đầu tiên mình xem họ đá mùa 95. Cầm áo mà kỷ niệm ùa về 😉

    Liked by 1 person

    Reply
      1. norah

        Mình rất ghét mua áo đấu, vì mình thấy cái ý tưởng của nó rất ngược đời. Tại sao giá của polo khoảng $50 thôi, mà áo đấu có thêm logo của nhà tài trợ lại mắc hơn gấp đôi. Nghĩa là mình phải bỏ tiền ra để đi quảng cáo cho aon, chevrolet.

        Vậy nên nếu có mua áo đấu, mình sẽ mua áo sharp thôi. Dù gì cũng gần 20 năm rồi 😉 chắc k còn ý nghĩ thương mại nữa.

        Like

      2. HA Post author

        Haha thì đúng là quảng cáo vậy đó. Thề với bạn ngày xưa có lần vô cửa hàng điện tử tự dưng mình thấy tha thiết muốn mua toàn bộ đồ của Sharp về xài quanh nhà 😂😂😂. Dĩ nhiên chưa bao giờ điên đến mức đấy.

        Liked by 1 person

Leave a comment