World Cup 2022 – Chung kết cực phẩm và số phận gọi tên Argentina

Hiệp 1 của Argentina, hiệp 2 của Pháp, và số phận thì gọi tên Argentina và Lionel Messi. Ngắn gọn thì là thế, còn trận chung kết thì quá tuyệt vời.

Như bốn năm về trước, sự háo hức của tôi với World Cup không hiểu sao lại giảm nhiệt trước cái trận đấu mà tất cả đánh nhau vỡ đầu để có mặt. Nhưng không muốn lặp lại lịch sử ngủ mất giữa một trận chung kết World Cup, 9h tối lúc mắt đã bắt đầu díp lại tôi đứng dậy đi làm cốc cà phê. Thật trời chiều lòng người, trận chung kết thuộc hàng cực phẩm.

Không hiểu ai nghĩ ra cái việc bóng đá phải đá hai hiệp, bởi nếu chỉ đá một hiệp thì lịch sử bóng đá sẽ được viết lại toàn bộ. Hiệp 1 thật sự không hiểu chuyện gì đã xảy ra với tuyển Pháp nữa. Tôi còn nghĩ, ủa thầy phù thuỷ của Pogba đâu, sao hôm nay không cúng cho tuyển Pháp hay sao. Hiệp 1 không biết có nhiều fan của Pháp thấy nhớ Paul Pogba không, chứ tôi là có. Dĩ nhiên đó là một cầu thủ phập phù, nhưng hiệp 1 Pháp quá bế tắc. Antoine Griezmann mất điện, Mbappe mất tích, còn Pháp thì mất mạng.

Là fan của MU, tôi quả thực có những cảm xúc rất khó tả khi (phải) nhìn mặt Di Maria, nhất là khi anh ta chơi hay :)). Cái mặt của anh ta những lúc Argentina bị gỡ hoà cũng gợi cho tôi nhớ tới trận thua ngược của PSG trước MU :)). Giờ thì anh ta vô địch World Cup rồi. Thôi kệ.

Nói ra chắc khó tin, năm 2018 tôi mới lần đầu nhìn mặt Messi :)). Vì trước đó tôi bỏ xem bóng đá một thời gian. Vậy nên thực ra những câu chuyện của Messi hay Ronaldo tôi nghe cũng như gió thoảng bên tai thôi, chứ chả có cảm xúc gì. Họ không phải thanh xuân của tôi. Thanh xuân của tôi là Eric Cantona, là Class of ’92, là Cole-York, là Solskjaer, đại để vậy. Còn ra ngoài Man United thì chính là tuyển Pháp vô địch năm 1998, là World Cup đầu tiên tôi bắt đầu giữ được nhiều ký ức. Bởi thế, hôm nay tôi cũng rất nhớ hình ảnh của Deschamps, người tỏ ra khát khao nhất tuyển Pháp, hò hét nhiều nhất, mặt mũi đỏ gay, và mang một gương mặt không thể buồn hơn khi thất bại.

Trở lại với Messi, thật ra cũng chẳng biết nói gì nhiều. Một kỳ World Cup tuyệt vời và cái kết không thể có hậu hơn dành cho Messi. Sau nhiều năm Argentina như một đội bóng một người khiến tôi khó có cảm tình được thì giải này họ đã lột xác thành một tập thể toàn tâm toàn ý xây dựng xung quanh Messi, chiến đấu vì Messi, sống chết vì Messi, nhưng rất ra dáng một tập thể đoàn kết. Nói Messi gánh team đến chức vô địch thế giới thì cũng đúng, nhưng ở một góc độ khác, chính đội hình tưởng chừng như rất thường này của Argentina mới là bệ phóng giúp Messi vô địch thế giới.

Dĩ nhiên không thể không nhắc tới Lionel Scaloni, người đẹp trai nhất tuyển Argentina chứ không đùa :)). Thật, mỗi lần nhìn anh này tôi không thể không liên tưởng tới Jude Law. Đẹp trai quá thể :)). Mặc dù Messi là tâm điểm của tất cả, nhưng tôi thấy Scaloni cũng là một nhân tố quan trọng phải ngang Messi trong hành trình lên đỉnh thế giới của Argentina năm nay. Một người thì vẽ ra chiến lược, chiến thuật, một người thì biến plan thành hành động siêu phàm. Kẻ hô mưa, người gọi gió, thì phải thành bão táp thôi.

Thôi thì tóm gọn lại một câu, Argentina vô địch thật quá xứng đáng. Chúc mừng Argentina! Chúc mừng Lisandro Martinez!

Pháp thua nhưng vẫn cho thấy đẳng cấp hàng đầu thế giới. Deschamps vẫn rất hay, chiều sâu đội hình của Pháp vẫn rất ổn, còn Mbappe thì vẫn quá siêu phàm. Chính đẳng cấp của Pháp đã làm cho trận chung kết trở nên kịch tính một cách khó tin. Không chỉ một mà những hai lần. Như kiểu cứ mỗi lần Argentina giơ tay ra định chạm cúp thì lại bị Pháp cầm chân giật lại. Vô địch thế giới mà lại dễ thế à :)).

Nhưng cuối cùng thì, như người ta vẫn thường nói, thành bại nhiều khi cũng tại số. Việc của ta chỉ là cố gắng hết sức, còn thì trời xanh sẽ tự an bài.

World Cup 2022 – Nước mắt bồ câu

Tôi quả thực thích những chú bồ câu của Tite. Tuy là dân coi đá bóng ai cũng ít nhiều đều có máu ăn thua, nhưng khi bạn già đi, bạn sẽ càng thấm thía là cần phải tận hưởng cuộc sống mọi lúc mọi nơi có thể, bởi ai mà biết được ngày mai thế nào. Và Brasil ở World Cup 2022 này cho chúng ta những khoảnh khắc tận hưởng vô tư như thế, khi chỉ cần ghi bàn đã là hạnh phúc.

Những người cho việc ăn mừng của Brasil là quá đà có lẽ là những người luôn phải kìm nén cảm xúc. Họ có thể cũng là những người dạn dày, đã trải qua đủ mọi thăng trầm để biết rằng nay vui mai buồn là chuyện quá đỗi bình thường. Có lẽ họ muốn đối mặt với khó khăn của ngày mai bằng việc kiềm chế niềm vui của ngày hôm nay trước. Họ có thể sẽ luôn sẵn sàng với khó khăn thử thách. Nhưng ta cũng nên sẵn sàng đối diện với niềm vui nữa chứ?

Không ai nghĩ một khuôn mặt lạnh lùng như Tite sẽ sẵn sàng nhảy điệu bồ câu với những thằng bé chỉ đáng tuổi cháu mình. Hình ảnh Van Gaal nhảy múa cùng đội tuyển Hà Lan khi trở về khách sạn (sau trận thắng Mỹ thì phải) nhìn còn dễ tin hơn hình ảnh bồ câu già Tite. Nhưng có những lúc bạn nên quẳng gánh lo đi mà vui sống.

Gặp Croatia, Brasil không còn nhảy nhót được gì nữa. Mặc dù pha ghi bàn của Neymar rất hoàn hảo, rất đẳng cấp, rất quan trọng, rất cảm xúc, nhưng đấy cũng là khoảnh khắc loé sáng ít ỏi của Neymar cũng như Brasil. Ghi bàn xong họ cũng không đủ hưng phấn để nhảy múa như trận trước. Croatia ở một đẳng cấp khác hẳn so với các đội bóng mà Brasil đã phải đối mặt trước đó.

Hiệp 1 Brasil hoàn toàn lép vế. Không có bóng mà đá luôn. Tôi thấy mình cứ đi tìm Casemiro mãi. Richarlison trở thành chú bồ câu ngơ ngác trên hàng công. Vinicius không thoải mái sút như những trận trước nữa. Raphinha và Neymar cũng hoàn toàn mờ nhạt. Tôi đã nghĩ thầm, thôi bồ câu thế là gãy cánh. Croatia đã chơi trận hay nhất của họ từ đầu giải tới giờ. Càng vào sâu, họ càng cho thấy một sức sống mãnh liệt, một bản lĩnh phi thường.

Vậy mới nói, vui được lúc nào hãy cứ vui đi. Để rồi khi tàn cuộc, thất bại nào cũng sẽ đều đau đớn. Như Neymar nói, giờ là lúc về nhà, khóc, và gặm nhấm lấy thất bại này.

Một giấc mơ nữa lại đã tan vào hư vô.

World Cup 2022 – Bước ra ánh sáng

Một là Maroc. Hai là Gonçalo Ramos.

Hôm qua mình đã làm được một việc vĩ đại là thức thâu đến 4h sáng, xem đủ 2 trận cuối cùng của vòng 16 đội World Cup năm nay. Nhờ thế, ơn Giời, mình đã được chứng kiến lịch sử sang trang.

Thật ra, mình đã xem trận Ma rốc – Tây Ban Nha trong tình trạng là vừa chơi game vừa nghe bình luận là chính, thỉnh thoảng thì ngừng chơi ngước mắt xem một đoạn. Một là vì mình nghĩ hai đội này chơi thì sẽ giằng co nhiều, khó có bàn thắng. Hai là vì mình cũng chẳng phải là fan của đội nào cả. Nếu phải chọn, dĩ nhiên mình thích Ma rốc đi tiếp hơn, vì đây là đại diện duy nhất phi Âu – Mỹ còn lại ở World Cup năm nay. Tây Ban Nha xưa giờ mình hầu như chả xem bao giờ, giờ mình chỉ gọi là thôi tranh thủ có World Cup thì xem tí cho biết. Với lại, MU nhà mình cũng mới chuyển sang học chơi bóng kiểm soát, nên mình cũng hay để ý thêm các đội chơi bóng kiểm soát thì họ chơi như nào. Nhưng nhắc đến MU, TBN mấy năm nay hắt hủi De Gea nhà mình, đi về là đáng lắm! :))

Ma rốc lần đầu tiên vào tứ kết World Cup. Giấc mơ mãi chưa thành của người Nhật nay đã được Ma rốc hiện thực hoá. Từ đầu giải tới giờ, spotlight dồn vào châu Á nhiều quá, Ma rốc nhân đó tránh được ánh đèn soi mói, cứ lừ lừ đi vào thôi. Ừ thì thắng Bỉ, nhưng Bỉ cũng già rồi mà. Ừ thì 7 điểm đứng đầu bảng, nhưng bảng đấu cũng nào phải ghê gớm lắm. Tây Ban Nha sẽ thích chọn Croatia hay chọn Ma rốc nào? Dĩ nhiên là Ma rốc rồi. Và đến khi Ma rốc thẳng tay loại TBN bằng một trận knock-out, cả thế giới có chút gì đó ngỡ ngàng.

Atlas là tên một dãy núi dài 2,500 km trải dài qua ba nước Bắc Phi là Ma rốc, Algeria, và Tunisia, ngăn giữa sa mạc Sahara với vùng duyên hải ven biển. Đỉnh cao nhất của dãy núi này là Toubkal, nằm ở Ma rốc. Atlas lions – những chú sư tử Atlas – chính là biệt danh của đội tuyển bóng đá quốc gia Ma rốc.

Ma rốc đến với World Cup ít người để ý. Họ không có Sadio Mane hay Mo Salah. Một trong hai ngôi sao nổi tiếng nhất của họ là Hakim Ziyech đã phải vật lộn ở Chelsea kể từ ngày rời Ajax tới đây vào năm 2020. Huấn luyện viên của họ, ông Walid Regragui, người mà mình vẫn đang phải dùng Google trợ giúp để viết tên, giờ đây cũng mới cùng các học trò bước ra ánh sáng. Nói gì thì nói, mình vẫn thích những cơn địa chấn ở World Cup.

Đội bóng góp phần tạo nên cơn địa chấn tối qua – TBN ấy mà – quả thật biết cách an ủi người Nhật. Tưởng như các cầu thủ Nhật đã phải trải qua một trong những màn đá luân lưu bẽ bàng nhất lịch sử World Cup thì không, Nhật sút trượt 2 trái xong đã sút vào trái thứ ba, còn TBN sút ba trái trượt hết cả ba, khỏi phải đá lượt thứ tư vì Ma rốc quá lạnh lùng trên chấm 11m. Ai bảo các đội bóng châu Phi chỉ biết chơi bóng hồn nhiên? Ma rốc hôm qua ngầu chết đi được.

Thật ra, một nửa đội hình Ma rốc là các cầu thủ kiều bào sinh ra và lớn lên ở một đất nước phương Tây. Giờ đây cả thế giới đều biết Hakimi, anh chàng nhảy chân sáo loại TBN tối qua, đã sinh ra và lớn lên ở Madrid. Ông Regragui cũng mang hai quốc tịch Pháp và Ma rốc. Đây thực ra là một chiến lược phổ biến ở nhiều quốc gia mà nền bóng đá còn khiêm tốn. Thành công của đội tuyển Ma rốc giờ đây hẳn sẽ tiếp thêm động lực cho các quốc gia khác tiếp tục kiên trì thúc đẩy việc theo đuổi chiến lược này.

Gonçalo Ramos là cái tên khác bước ra ánh sáng và chiếm spotlight ngày hôm qua. Sau khi anh chàng này ghi bàn thứ hai thì hẳn nhiều người giống mình, phải lập tức đi google xem anh ta là ai và từ đâu đến. Vấn đề không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng của những bàn thắng ấy. Chưa cần nói đến chuyện anh ta ra sân để thế chỗ CR7, mà chỉ cần nhìn những cú sút thần sầu ấy, nhìn cái chân trái ấy, không ai có thể ngồi yên được. Ở đâu ra cái anh chàng này vậy? (Benfica lặng lẽ giơ tay.)

Một trong những người gây sốc nhất World Cup tính tới thời điểm này chính là Fernando Santos. Bố già của Bồ Đào Nha ém hàng quá kỹ. Trong khi cả thế giới không ngớt trầm trồ trước những Bellingham, Mbappe, Gakpo, Enzo Fernandes, thì ông già Santos vẫn một mực bảo vệ vị trí trung tâm của Ronaldo ở đội tuyển Bồ Đào Nha. Vào tới vòng knock-out, ông lật kèo. Ronaldo dự bị. Cả thế giới sẽ phải học cách phát âm một cái tên Bồ Đào Nha khác, khó hơn Ronaldo, khó hơn Bruno, khó hơn Bernardo và Diogo, ấy là Gonçalo Ramos.

Vừa mới chào sân World Cup đã chơi luôn ba bàn. Klose ngồi nhà cũng bị gọi tên. Anh ơi, truyền nhân của anh xuất hiện rồi kìa!

Bóng đá ngày nay, như Mourinho nói, đang ngày càng tôn vinh cá nhân, với đủ các thể loại thống kê, kỷ lục, giải thưởng cá nhân. Nhưng núi cao rồi ắt sẽ có núi cao hơn, việc các thế hệ sau rồi sẽ lần lượt xô đổ các kỷ lục trước cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Càng có nhiều cầu thủ bước ra ánh sáng và làm nên những điều kỳ vĩ thì càng tốt. Càng đông, càng vui. Còn càng sân si thì sẽ càng cay đắng.

World Cup 2022 – Tự sát trên chấm luân lưu

Nhật Bản đã tự sát trên chấm luân lưu. Việc họ để thua trước đương kim á quân thế giới Croatia là một điều đã được dự đoán trước. Việc trận đấu có thể kéo dài tới 120 phút rồi tới loạt sút luân lưu cũng là một điều đã được dự đoán trước. Nhưng việc họ để thua quá dễ dàng trên chấm luân lưu lại là điều khó hình dung. Nhật Bản đá trượt ngay từ quả đầu tiên. Trượt tiếp quả thứ hai. Rồi trượt tiếp quả thứ tư khi hy vọng vừa được nhen lên chút xíu sau một quả đá trượt bên phía Croatia. Đá luân lưu với Nhật Bản đột nhiên như trở thành một trò trẻ con với các cầu thủ Croatia. Croatia không phải bách chiến bách thắng trên chấm 11m, nhưng chiến thắng trước Nhật Bản hẳn là một trong những chiến thắng dễ dàng nhất của họ.

Ở chiều ngược lại, đây hẳn là một trong những thất bại khó quên nhất của đội tuyển Nhật Bản. Samurai Xanh đã trở thành Samurai Buồn.

Chưa nói tới giấc mơ vô địch World Cup, giấc mơ Tứ kết của Nhật Bản thêm một lần tan vỡ. Ngày hôm qua, đối đầu với một Croatia đã ở bên kia sườn dốc của một chu kỳ thành công là một trong những cơ hội tốt nhất của Nhật Bản để lần đầu bước chân vào một vòng Tứ kết World Cup, nhưng họ đã không tận dụng được. Không giải quyết được Croatia trong 120 phút trên sân là một điều cực kỳ nguy hiểm.

Bản lĩnh và sự dẻo dai của người Croatia không thua kém gì tinh thần quật cường của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiêu biểu là sức chiến đấu của những Modric, Perisic ở tuổi cận kề 40. Marcelo Brozovic, 30 tuổi, đã chạy 16.7 km trong 120 phút hôm qua, xác lập một mốc kỷ lục mới ở World Cup, phá kỷ lục của chính mình (16.3 km) trước đội tuyển Anh cách đây 4 năm. Nói chuyện 4 năm trước, Croatia sau 240 phút chiến đấu, 2 lượt sút luân lưu, vẫn đủ sức chơi tiếp 120 phút quả cảm, quật ngã một tuyển Anh trẻ trung trên đường vào chung kết.

Hình ảnh HLV Moriyasu ngày hôm qua khi trận đấu khép lại cho thấy ông đã sẵn sàng bước tiếp cho giấc mơ World Cup của người Nhật. Ông cần những cầu thủ của mình cũng phải sẵn sàng. Hy vọng vẫn còn ở phía trước.

Nhà báo Trương Anh Ngọc viết từ Qatar: “[Nhật Bản] vẫn còn thiếu một Tsubasa bằng xương bằng thịt và vẫn phải tin vào những giọt nước mắt chảy xuống trên má họ…” Tôi không biết ai sẽ trở thành Tsubasa của Nhật Bản để một ngày nào đó đưa họ tới chức vô địch World Cup, còn ở Qatar 2022 này, tôi sẽ nhớ mãi cái lưng áo số 18 của Asano. Bàn thắng ở một góc quá khó trước tuyển Đức. Và bàn thắng duy nhất của Nhật Bản giữa cuộc tự sát trên chấm luân lưu hôm qua.

World Cup 2022 – Cuộc đào thoát ngoạn mục

Ấy là Hàn Quốc. Cuối cùng thì cái đội bóng “phổi bò” ấy đã làm nên một màn đào thoát ngoạn mục ở những giây cuối cùng trong trận đấu tưởng chừng như sẽ là cuối cùng của họ tại Qatar 2022.

Mấy hôm trước tôi liệt kê một danh sách 9 đội chỉ có 1 điểm sau hai lượt trận đầu để theo dõi xem liệu có đội nào thoát hiểm không. Thế rồi mấy ngày qua, cái danh sách ấy như trở thành một danh sách tử thần khi các đội trong đó lần lượt bị khai tử khỏi sân chơi World Cup. Wales. México. Đan Mạch. Tunisia. Đức. Tối qua tới lượt Hàn Quốc và Uruguay đối diện thần chết.

Về lý trí, tôi đoán cả hai đội rồi sẽ bị loại. Về tình cảm, tôi vẫn mong Hàn Quốc vào vòng trong. Ừ thì họ đá có phần ngây thơ, không biết tính toán chặt chẽ để bung sức đúng người đúng thời điểm như Nhật Bản, chỉ biết hăng máu như một chú ngựa non. Nhưng tôi chính ra lại thích cái sự ngây thơ ấy. Còn sức thì cứ đá thôi. Cứ tiếp tục lên bóng, tiếp tục tạt vào, tiếp tục tấn công, tiếp tục hy vọng.

Xem Hàn Quốc toát mồ hôi với đội dự bị của Bồ Đào Nha, tôi sợ họ lại giống như người Bỉ hôm trước, lực bất tòng tâm, tấn công mãi mà cứ như húc đầu vào tường. Nhiều lúc cũng nghĩ, thôi đá chán thế này bị loại cũng đúng thôi chứ biết sao giờ. Uruguay cũng xứng đáng đi tiếp mà.

Thế rồi trong một nỗ lực tiếp tục húc đầu vào tường của Hàn Quốc, họ lại làm nên điều phi thường. Thương cho những bước chạy của Son, người ngoài nhìn vào thì thấy vô vọng nhưng hóa ra chúng vẫn mang đầy khát vọng của tuyển Hàn Quốc. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, một cú chọc khe, và một cầu thủ áo đỏ khác chạy chỗ mẫu mực ghi bàn thắng quý hơn vàng cho Hàn Quốc.

Khi người Hàn òa khóc vì sung sướng thì người Uruguay bắt đầu rơi những giọt nước mắt cay đắng. Bình thường thì không, nhưng tối qua tôi đã xem cả hai trận trên hai màn hình cùng một lúc. Nói chung ai bị loại thì cũng cay đắng cả, nhất là khi thắng vẫn là không đủ. Trách ai bây giờ? Dĩ nhiên là trách mình thôi. Uruguay đã dẫn Ghana hai bàn từ phút thứ 32. Một giờ đồng hồ tiếp theo sao họ không tự cứu mình bằng cách ghi thêm bàn đi? Tại sao họ dám chắc Hàn Quốc sẽ không thể thắng được Bồ Đào Nha? Để đến khi Hàn Quốc ghi bàn thì đã quá muộn. Uruguay dồn lên mà luống cuống như gà mắc tóc. Lúc ấy tâm lý căng thẳng rồi làm sao mà đá. Bên ngoài sân, Suarez và Nunez mắt đã ngấn nước. Cay đắng và nghiệt ngã.

Sau lượt trận thứ hai với kết quả bất lợi, Instagram của cả đội tuyển Nhật Bản và đội tuyển Hàn Quốc đều nhanh chóng đưa ra tuyên bố đại ý giống nhau: chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho tới phút chót. Cả hai rốt cục đều đã nói được làm được.

Cập nhật tổng kết vòng bảng:

Trong 9 đội có 1 điểm sau hai lượt trận đầu, duy nhất chỉ có Hàn Quốc vượt qua cửa tử để vào vòng trong.

7 đội có 4 điểm gồm có: Hà Lan, Ecuador, Anh, Ba Lan, TBN, Croatia, Ma rốc. 6/7 đội đã đi tiếp vào vòng trong, riêng Ecuador bị loại.

10 đội có 3 điểm gồm có: Senegal, Iran, Argentina, Saudi, Australia, Nhật Bản, Costa Rica, Bỉ, Thuỵ Sỹ, Ghana. 5/10 đội đi tiếp, 5/10 đội đi về.

Mỹ có 2 điểm trận cuối thắng nên cũng vào.

Xem tỷ lệ như này thì thấy các đội nên ráng mà đá cho tử tế ngay từ đầu, xong sớm nghỉ sớm, chứ để lâu đêm dài lại lắm mộng.

World Cup 2022 – Toàn chuyện khó tin

Nhật thắng TBN, Đức bị loại. Thật quá khó tin! Từ lúc ngủ dậy tới giờ mình vẫn chưa thấy hết sốc.

Vì chịu không thể dậy nổi để xem những trận đá lúc 2h sáng, sáng cứ mở mắt ra là mình lên Google xem kết quả. Sở dĩ mình chuộng Google hơn các trang mạng là bởi ngoài chuyện thắng thua, bao giờ mình cũng muốn nhìn ngay tỉ số, mà các trang mạng thì cứ giật tít đùng đùng nhưng ít khi kèm tỉ số ở phần tít bài. Tối qua mình đi ngủ với tư tưởng là thôi chắc TBN, Đức đi tiếp. Sáng nay mình vào Google với tâm trạng là xem TBN, Đức thắng bao nhiêu. Ok, Đức thắng 4-2. Xong mình giật mình thấy dòng ghi chú của Google dưới trận Costa Rica – Đức (một điểm mới của Google, bắt đầu từ đầu kỳ World Cup này), là cả hai đội này đều không thể đi tiếp. Lướt mắt xuống dưới thấy Nhật thắng TBN 2-1. What the heck am I looking at?

Khó tin, khó tin, quá khó tin!

Thật không thể tưởng tượng nổi sức chiến đấu của đội tuyển Nhật! Làm thế quái nào mà họ lại thắng được TBN, vẻ vang như đã thắng Đức ở trận đầu ra quân? Nhất là khi họ thực sự không có tiền đạo hay. Trận thua của Nhật trước Costa Rica như muốn ra dấu rằng Đức dường như chỉ là sảy chân. Khi review các đội chỉ có 1 điểm sau hai lượt trận, mình đã cho rằng Đức là đội 1 điểm sáng cửa nhất để đi tiếp. Nhật, với 3 điểm, lại được coi là chỉ còn khe cửa hẹp. Thế mà cuối cùng họ đã lọt qua cái khe hẹp ấy một cách ngoạn mục như cái mi-li-mét của quả bóng Al Rihla còn vươn qua vạch vôi cộng với sự chính xác kinh hoàng của công nghệ đã tuyên bố: ball in play, it’s a goal! 2-1 cho Nhật Bản!

Đúng như một bài báo nào đó viết, Nhật Bản mới thực sự là tử thần của bảng đấu! 6 điểm, đứng đầu bảng, thắng cả Đức và TBN, Nhật Bản đang thực sự là lá cờ đầu của châu Á tại World Cup năm nay. Một ngày nào đó, Nhật nhất định sẽ vô địch thế giới như giấc mơ của Takahashi Yōichi!

Ở trận đấu trước đó vài giờ, Lukaku là cầu thủ tạo ra những điều khó tin, mỗi tội là không phải theo hướng tích cực. Trận đó mình cổ vũ Croatia. Khoảng nửa cuối hiệp 2 mình thấy như chuẩn bị đón cái chết cho đội bóng này. Chỉ một bàn thôi là Bỉ giải quyết được mọi vấn đề từ trong đến ngoài sân cỏ. Nhưng thế quái nào mà Lukaku cứ chạm bóng là ra ngoài, hoặc để thủ môn Croatia bắt được. Lukaku vào sân cái là Bỉ chơi khác hẳn, cơ hội rõ rệt hơn rất nhiều, bàn thắng cũng đến rất gần rồi, mình cũng đã chuẩn bị tinh thần buồn cho Croatia rồi, ấy thế mà mọi thứ quá nghiệt ngã với Lukaku. Mình không phải fan cầu thủ này, mà hôm qua cũng thấy quá là tội. Hết trận, dĩ nhiên mình thở phào vì mình muốn Croatia đi tiếp hơn là Bỉ, nhưng cái sự ngỡ ngàng gần như sốc trước những pha bỏ lỡ của Lukaku nó lấn át cả niềm vui dành cho Croatia.

Thật là trớ trêu, ở lượt trận tiếp theo, Nhật Bản và Croatia sẽ phải loại nhau. Mình hâm mộ hai đội này nhất chính là ở cái tinh thần chiến đấu đến chết của họ. Thật ra bình thường mình rất anti cái tinh thần làm việc đến chết của dân Nhật, vì mình thấy như thế thật không đáng, vì mình nghĩ cuộc sống còn nhiều thứ khác ngoài công việc. Nhưng không hiểu sao mình vẫn hâm mộ những cầu thủ, những đội bóng đá “chết bỏ”. Có thể là vì với mình bóng đá thiêng liêng hơn công việc :)).

Nhật Bản – Croatia thì mình sẽ hơi nghiêng về Nhật một chút, nhưng dù đội nào bị loại thì mình cũng đã chuẩn bị sẵn một nỗi buồn :(.

Trận Ma rốc – Canada thì mình không xem, nhưng xin ngả mũ chúc mừng ngọn cờ đầu của Châu Phi!

World Cup 2022 – Trước lượt cuối vòng bảng

Đang quen xem đá bóng sớm tự dưng giờ này lại chả có gì xem , thôi mình ngó tí số liệu trước lượt trận cuối vòng bảng. Mình đang rất tò mò không biết trong số những đội mới chỉ có 1 điểm sau hai lượt trận sẽ có đội nào đi tiếp được không. Sau đây là những đội ngàn cân treo sợi tóc như thế:

Bảng B: Wales sẽ gặp Anh là đội đang cần thắng để đầu bảng tránh Hà Lan. Nếu Iran hoà Mỹ, Wales chỉ cần thắng Anh tối thiểu là cùng 4 điểm với Iran, nhưng sẽ hơn về hiệu số, đủ để vào. Nhưng cái nhiệm vụ tối thiểu là “thắng Anh tối thiểu” ấy xem ra khó hơn lên trời. Trừ phi Anh bị đuổi một người thì may ra…

Bảng C: Mexico sẽ gặp Saudi. Ba đội đứng trên Mexico đều chỉ 3-4 điểm, Ba Lan và Argentina thì đều chưa chắc suất sẽ phải đánh nhau to. Vậy nên Mexico cứ thắng Saudi là có cơ hội.

Bảng D: Cả Đan MạchTunisia đều đang 1 điểm, nhưng vẫn có cửa vào nếu thắng ở lượt trận cuối. Cửa của Đan Mạch thì sáng hơn, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ Úc đã có 3 điểm, tức là Úc chỉ cần hoà Đan Mạch là nhiều khả năng tiễn gọn cả hai bạn về nước.

Bảng E: Đức có 1 điểm nhưng lại sáng cửa đi tiếp hơn cả hai đội 3 điểm xếp trên là Nhật Bản và Costa Rica. Có lẽ cũng là sáng cửa nhất trong số các đội 1 điểm. Chỉ cần Đức đá đúng sức thì Costa Rica không phải là đối thủ, trong khi Nhật có điểm trước Tây Ban Nha cũng rất khó. Nhưng bóng đá chả biết thế nào. Nếu mọi thứ êm đẹp như lý thuyết thì Đức giờ này đã không phải nằm trong nhóm 1 điểm thế này. :))

Bảng G khá giống bảng D với SerbiaCameroon tình cảnh tương tự Đan Mạch và Tunisia. Hai đội châu Âu Serbia và Thuỵ Sỹ sẽ phải quyết chiến trong khi Cameroon sẽ chờ xem Brasil đá trận thủ tục thế nào. Thuỵ Sỹ thì chỉ cần hoà, nhưng Serbia thì phải thắng

Bảng H cũng có hai đội đang cùng 1 điểm nhưng khác với bảng D và bảng G ở chỗ cả hai đội này đều có nguy cơ bị loại rõ ràng hơn. Bồ Đào Nha khó mà buông cho Hàn Quốc vì họ còn phải tính tránh Brasil, trong khi Ghana đã thể hiện được nhiều hơn Uruguay ở hai lượt trận đầu.

Tổng cộng là 9 đội đang có 1 điểm trong tay sau hai lượt trận, với cơ hội thoát hiểm là rất khác nhau. Mình sẽ chờ xem có cuộc đào thoát ngoạn mục nào không.

7 đội đang 4 điểm gồm có: Hà Lan, Ecuador, Anh, Ba Lan, TBN, Croatia, Ma rốc.

10 đội đang 3 điểm gồm có: Senegal, Iran, Argentina, Saudi, Australia, Nhật Bản, Costa Rica, Bỉ, Thuỵ Sỹ, Ghana.

Riêng ông Mỹ một mình ổng 2 điểm :))

Mai mốt mình sẽ tổng kết lại coi mỗi nhóm tình hình sống chết thế nào.

World Cup 2022 – Ngày 9: Buồn vui lẫn lộn

Sau Nhật Bản và Saudi, mình lại tiếp tục buồn cho Hàn Quốc. Nếu Nhật Bản như một tính cách hướng nội – chuyền ngắn, chậm, chắc, nhiều khi thiếu bùng nổ – thì Hàn Quốc là một tính cách hướng ngoại. Họ chơi ồn ào, tấn công ào ạt, lên bóng nhanh, tả xung hữu đột, cứ thế như một cơn lốc từ đầu trận tới cuối trận. Xem Hàn Quốc đá quả thực rất nhiều cảm xúc. Thắng cũng muốn khóc mà thua cũng muốn khóc. Nhưng giờ đây với chỉ 1 điểm sau hai lượt trận, với trận cuối cùng phải đối diện với Bồ Đào Nha, một trong chỉ ba đội bóng đã đá hai thắng hai và vào thẳng vòng trong, Hàn Quốc quả thực rất khó đi tiếp. Ghana, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Hàn Quốc, đã chơi hai trận hay kinh hoàng, sẽ không khó để họ có điểm trước một Uruguay chưa chứng tỏ được gì nhiều.

Trong khi mình mải để ý các đội châu Á, thì châu Phi đã vùng lên ở lượt trận thứ hai này, cũng kiếm về cho mình một hat-trick chiến thắng quan trọng. Senegal thắng Qatar, Ma rốc hạ đo ván Bỉ, còn Ghana lạnh lùng chiến thắng Hàn Quốc. Cả ba đội này đều sáng cửa đi tiếp hơn các đại diện châu Á.

Bỏ lại trận thua buồn của Hàn Quốc, mình đã phải làm cốc cà phê trước trận Brasil – Thuỵ Sỹ, mà đến cuối trận vẫn buồn ngủ díp mắt. Hết hiệp 1, mình lại nhắn cho cô bạn bên Thuỵ Sỹ bảo, Sỹ đá chắc chân quá, lỏng chân ra tí cho Brasil ghi bàn đê.

Xưa giờ thật tình mình ít để ý Brasil, cũng không rõ lắm tại sao. Giải lớn đầu tiên mình xem là USA 1994, năm đó mới 10 tuổi, chỉ nhớ là có xem chứ không nhớ được ấn tượng gì. (Kể cả Euro 1996 sau đó hai năm mình cũng có xem mà cũng không nhớ gì hết, nhớ mỗi cái lịch thi đấu in màu với hình Peter Schmeichel giơ cúp hồi 1992.) Đến France ’98 thì Pháp hay quá, Zidane ấn tượng quá, nên mình cũng không để ý mấy đến Brasil với Ronaldo số 9. 2002 thì Brasil vô địch nhưng Hàn Quốc lại quá ấn tượng, nên mình cũng lại tiếp tục không để ý Brasil. Ai chứ Brasil chơi hay là chuyện thường, có gì mà phải để ý :)).

Thật tình là năm nay mình quan tâm Brasil tí là vì Man United đang có 4 tuyển thủ Brasil lận. Dĩ nhiên cũng chỉ có Casemiro là trụ cột thôi, mà Casemiro thì vẫn là hình bóng của cựu danh thủ Real Madrid nhiều hơn là cầu thủ Man United. Mình thật ra là thích cái thằng nhóc Antony. Trông hơi gấu một tí nhưng cũng dễ thương. Năm nay xác định Antony cơ bản cũng gọi là chào sân World Cup thôi. Nếu may mắn thì có thể ghi bàn hoặc kiến tạo gì đó, nhưng nhìn chung mình nghĩ là trải nghiệm, học hỏi, hưởng tí không khí tuyển quốc gia là chính. 4 năm nữa sẽ trưởng thành hơn.

Dù Casemiro đã ghi bàn, Brasil đã theo chân Pháp vào vòng trong, nhưng mình nghĩ tới đây xem Brasil vẫn rất hồi hộp, vì họ nguy hiểm nhưng không hẳn vượt trội, họ có cá nhân xuất sắc nhưng cũng có cầu thủ đá thường thường. Chưa kể là xuất sắc nhất thì đang chấn thương ngồi ngoài, chưa biết vào vòng trong đã trở lại được chưa, mà có trở lại cũng chưa biết sẽ đá thế nào vì cứ ra sân là lại bị vây, bị xử hội đồng cho mà xem.

Bồ Đào Nha là đội cuối cùng trong ba đội ít ỏi giành trọn 6 điểm để vào vòng trong sớm một lượt đấu. Mình nửa muốn cổ vũ Bồ, nửa không. Rất mừng cho phong độ chói sáng của Bruno ở World Cup lần này, dù mới là hai trận, nhưng mình cũng không thể cổ vũ cho CR7 được nữa. Respect is gone. Chẳng lẽ lại phải chờ CR7 giải nghệ thì mới cổ vũ Bồ :)). Đến lúc ấy Bồ sẽ là Bồ khác rồi, ai mà biết Bruno và Dalot khi ấy ở đâu, đá như thế nào.

Nhưng có tréo nghoe thế nào thì đời lúc nào cũng là lúc này, là hiện tại, không phải quá khứ, cũng chẳng phải tương lai. Và World Cup sẽ tiếp tục trôi đi với những vui buồn lẫn lộn.

World Cup 2022 – Ngày 8: Gió tiếp tục đổi chiều

Trừ Canada đã bị gió sa mạc thổi bay về nước thì gió đã đổi chiều cho nhiều đội tuyển ra sân ngày hôm qua.

Buồn cho Nhật Bản, cầm bóng nhiều mà cơ hội chả được bao nhiêu, theo chân Saudi chịu chết bởi một đội bóng chơi chịu đựng nhằm chờ thời phản công. Bàn thắng của Costa Rica quá đẹp, không hiểu xuất thần hay cái tố chất của một đội bóng châu Mỹ lúc nào cũng thường trực ở đó rồi. Giới chuyên môn lập tức chỉ trích HLV Nhật Bản về chiến thuật, nhân sự. Mình không rành lắm nhân sự Nhật Bản, nhưng cũng hơi thắc mắc sao Minamino ngồi dự bị hoài à. Giá Nhật có một tiền đạo hay trên sân ngày hôm qua thì có phải đã thuận buồm xuôi gió rồi không. Còn nước còn tát, còn một trận nữa, dù rất khó khăn thì Nhật Bản vẫn còn cơ hội. Chiến đấu đi các bạn!

Nói gì thì nói, phải chúc mừng đội tuyển Costa Rica thôi! World Cup là sân chơi lớn, chả ai muốn đến đây làm nền cho các đội khác cả. Thế nên có 3 điểm bỏ túi trước một đối thủ chất lượng như Nhật Bản thì cứ phải hân hoan tí đã, Đức từ từ rồi tính :).

Mình chịu không thể mở mắt ra xem Đức và TBN đá dù đã mở được mắt sau tiếng chuông báo thức, nhưng chỉ để bật điện thoại lên chạy kênh VTV3 rồi lăn ra ngủ tiếp. Lần thứ hai mở mắt đã thấy các bác bình luận hết trận đấu :)).

An ủi là mình đã không lỡ chiến thắng lịch sử của Ma rốc trước Bỉ. Gió đã đổi chiều cho cả hai đội này sau lượt trận thứ nhất. Giữa hiệp 1 đứa bạn bên Thuỵ Sỹ nhắn tin, hôm nay đội Âu nào đá mà xung quanh nhà em thấy ầm ầm. Mình bảo Bỉ đang đá đấy. Cuối hiệp 2 mình nhắn bảo, Bỉ sắp thua rồi. Hết trận mình lại nhắn, Bỉ thua hẳn 0-2 nhé. Bạn giật mình bảo sao nhục vậy, mình lại trích lời De Bruyne, Bỉ già rồi. Giữa thời công nghệ real-time đủ thứ mà nhắn tin xuyên lục địa nói chuyện bóng đá như cầm cái ống bơ nói với sang hàng xóm vậy :)). Nhưng coi bóng đá là phải có người buôn chuyện cùng mới vui. Chẳng hiểu sao mình chơi với rất nhiều bạn không xem đá bóng :)). Hoặc có xem thì ở rất xa.

Tiếc cả trận thắng của Croatia mà mình đã không xem, một phần để nhắm xem trận 2h sáng (mà sau cũng fail không xem được), một phần cũng bởi trận đầu Croatia với Ma rốc đá nhạt quá, với mình là một trong những trận chán nhất ở lượt trận đầu tiên. Thôi lượt cuối hai ông già Bỉ, Croatia gặp nhau về lý thuyết cũng là một trận hay.

World Cup 2022 – Ngày 7: Đừng đùa với World Cup!

4 bảng A-D, 16 đội tuyển, chỉ mỗi tuyển Pháp thắng được cả hai lượt trận đầu, kiếm về 6 điểm, đi thẳng vào trong không chờ đợi ai. Còn thì 4 đội kiếm được 4 điểm, 5 đội kiếm được 3 điểm, 4 đội kiếm được 1 điểm, riêng Mỹ 2 điểm, Qatar 0 điểm.

Trong 5 đội kiếm được 3 điểm, có tới 4 đội thua ở lượt trận ra quân là Senegal, Iran, Argentina, và Úc, trong đó Iran thua hẳn 2-6 còn Argentina thua sốc các chàng trai Ả Rập. Đội còn lại có 3 điểm sau 2 lượt trận chính là Saudi, sau chiến thắng oanh liệt trước Argentina thì giờ đây đối diện với nguy cơ bị loại, thậm chí bét bảng như thường nếu để thua Mexico ở lượt cuối. Vậy nên, đừng có đùa với World Cup!

Có rất nhiều kịch bản thú vị có thể xảy ra, ví dụ siêu thực như Wales tiễn Anh về nước hoặc Ba Lan đem Argentina dâng tặng Pháp ở vòng 16 đội, nhưng nhìn chung mình không có mong đợi gì đặc biệt mà chờ xem thực tế thế nào thôi.

Trận đấu quan trọng nhất của lượt trận thứ 2 vòng bảng là Đức – TBN đêm nay đá lúc 2h sáng, nên mình sẽ chỉ xem Nhật – Costa Rica xong sẽ cố gắng đi ngủ sớm để đêm dậy xem.