Những năm 30 tuổi (P3)

Tôi đột ngột nhận ra mình đang bằng tuổi với Toru Watanabe đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Hamburg ở phần mở đầu của Rừng Na-Uy, cuốn sách gối đầu giường của tôi những năm 20 tuổi. Tôi đã đọc cuốn truyện ấy đúng vào những ngày Tết như những ngày này, vào năm 2007, tức là 14 năm về trước. Chính xác là ngày 23/02/2007, mùng 5 Tết, bởi tôi có viết blog vào ngày hôm đó.

Tôi 37 tuổi. Toru Watanabe 37 tuổi lúc hồi tưởng về quá khứ. Murakami, người sinh năm 1949, cũng khoảng tầm 37 tuổi khi viết ra Rừng Na-Uy, bởi cuốn truyện được xuất bản năm 1987. Và còn một nhân vật nữa cũng ở độ tuổi ấy – đó là Reiko Ishida, một người bạn đặc biệt và cũng là người đàn chị của cả Toru và Naoko những năm 20 tuổi.

Giờ nhìn lại, có thể thấy rõ Reiko chính là một nhân vật được chủ ý tạo nên để làm cầu nối cho Toru Watanabe 37 tuổi và Toru Watanabe 20 tuổi, để làm lành những vết thương lòng cho Toru 37 tuổi bằng cách bầu bạn với một Naoko 20 tuổi và an ủi một Toru 20 tuổi đã tan vỡ tâm hồn theo những cách khác nhau. Nói cách khác, Reiko ở một khía cạnh nào đó chính là Toru 37 tuổi trở về quá khứ để xoa dịu những vết thương lòng của chính mình khi mà con người ta không bao giờ có thể thay đổi được quá khứ.

Trên thực tế thì, khi 20 tuổi có thể ta sẽ không có một người bạn như là Reiko 37 tuổi để giúp chúng ta đối diện với những vấn đề của tuổi 20 một cách dễ dàng hơn. (Những ai có được thì thật là may mắn.) Có lẽ hầu hết trong chúng ta sẽ phải tự học cách trưởng thành qua những biến cố hay những sự kiện ở thời trẻ. Đôi khi là cùng học với những người trẻ khác trên chặng đường ấy. Nếu bạn sống sót, xin chào mừng đến với tuổi ba mươi!

Tôi vẫn nhớ Murakami đã viết về tuổi trẻ như thế này:

Không thể nói rằng khi đó tôi hạnh phúc. Thế nhưng, ký ức về thời ấy lại làm tôi thấy ngập tràn tiếc nuối. Tôi trẻ hơn, đói khát hơn, cô độc hơn hiện nay. Nhưng tôi thật sự là mình. Thời đó tận sâu trong tim tôi cảm nhận được từng nốt nhạc mà tôi nghe, từng dòng chữ trong sách mà tôi đọc, như thể chúng đi vào thật sâu trong tôi. Những sợi dây thần kinh của tôi chĩa lên tua tủa như những đầu đinh, mắt tôi tràn ngập một thứ ánh sáng xuyên suốt qua những người trò chuyện với tôi.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Tôi đọc những dòng ấy vào những năm hai mươi tuổi, và tôi đã yêu văn chương của Murakami những ngày ấy bởi ông ấy đã viết ra chính xác những cảm nhận của tôi về cuộc sống.

Đâu đó giữa những năm 30 tuổi tôi đã bắt đầu cảm thấy mình già đi. Cảm xúc với mọi thứ trong cuộc sống không còn được mãnh liệt như trước. Đôi mắt đã biết nhìn cuộc đời với nhiều dò xét và cẩn trọng hơn. Đổi lại thì cũng bớt đau tim hơn, bởi bớt mơ mộng hơn thì cũng bớt vỡ mộng hơn.

Ngày trước phổ biến một câu nói đại để là, người hạnh phúc là người có một việc gì đó để làm, có một ai đó để yêu, và có một cái gì đó để hy vọng. Nghe cũng rất là thơ mộng và có lý. Tôi cũng từng có thời gian suy nghĩ rất nhiều về thế nào là hạnh phúc, hay chính xác hơn với mình thế nào là hạnh phúc. Thật ra thì hạnh phúc không cần, và cũng không nên, đóng khung trong một định nghĩa nào cả. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có một tác giả self-help đã viết, bạn sẽ hạnh phúc khi bạn ngừng nghĩ về việc làm thế nào để hạnh phúc.

Tuổi 30, tôi quả thực đã ngừng băn khoăn về việc làm thế nào để hạnh phúc, làm thế nào để tìm ra passion, làm thế nào để tìm thấy một giấc mơ để theo đuổi. Nghe thì sáo rỗng, nhưng sự thực là tôi đã thấy cuộc sống dễ chịu hơn nhiều khi tôi tập trung sống cho những gì mình có ở hiện tại.

Mười bốn năm lẻ một ngày sau khi vùi đầu vào Rừng Na-Uy của Murakami, tôi nằm dài ở ban công ngập nắng để đọc nốt cuốn sách về Alex Ferguson và hai mùa giải sóng gió của Man United cũng đúng 14-15 năm về trước. Hà Nội đang ở trong mùa tuyệt nhất trong năm – đó là mùa xuân không mưa.

Nhiều năm qua tôi chưa bao giờ ngừng ca thán rằng điều tôi ghét nhất khi sống ở Hà Nội chính là thời tiết. Mùa đông quá lạnh, mùa xuân quá ẩm ướt, còn mùa thu thì tôi hay bị dị ứng. Mùa hè khá khẩm nhất trong năm, nhưng cũng không có gì đặc biệt. Sáng nay tôi đã chợt nhận ra những ngày này đang chính là những ngày thời tiết với tôi là hoàn hảo. Nắng đẹp vừa phải, không quá nóng không quá lạnh, không quá khô không quá ẩm. Và không mưa. Quan trọng hơn, tôi vẫn có chút thảnh thơi của một ngày chưa bị công việc đè chết khi công việc của tôi vẫn có chút đình trệ do dịch, ít nhất là tới hết tuần này.

Thiệt tình, người ta có cần mất tới từng ấy thời gian trong cuộc đời để nhận ra Hà Nội cũng có những ngày đẹp trời hay không?

“When I was seventeen it was a very good year
It was a very good year for small town girls and soft summer nights
We’d hide from the lights on the village green
When I was seventeen

When I was twenty-one it was a very good year
It was a very good year for city girls who lived up the stair
With all that perfumed hair and it came undone
When I was twenty-one

Then I was thirty-five it was a very good year
It was a very good year for blue-blooded girls
Of independent means, we’d ride in limousines their chauffeurs would drive
When I was thirty-five

But now the days are short, I’m in the autumn of the year
And now I think of my life as vintage wine from fine old kegs
From the brim to the dregs, and it poured sweet and clear
It was a very good year

It was a mess of good years”

It was a very good year – Writer: Ervin Drake

2 thoughts on “Những năm 30 tuổi (P3)

Leave a comment